Chào mừng Khách ( Đăng nhập | Đăng kí )

IPB
 
Reply to this topicStart new topic
> DUYÊN THUẬN QUẢNG
Khách_JADE_*
post Mar 23 2005, 05:20 PM
Bài viết #1




Khách vãng lai



Duyên Thuận Quảng
15:29' 15/03/2005 (GMT+7)
(NetCodo) Thuận Quảng, hai “xứ”- cửa ngõ kinh tế và trung tâm chính trị - gần như gắn bó, bổ sung nhau, trở thành mối quan hệ máu thịt trong việc phân định chức năng - bản sắc vùng miền. Đó chính là vấn đề nổi bật đặt ra cho văn hóa xứ Huế, xứ Quảng hôm nay.

1. Lược sử vùng đất:



Đường Đèo Hải Vân

Từ một dải đất, chịu sự tác động của điều kiện tự nhiên, lịch sử xã hội, xứ Thuận - Quảng dù chỉ cách nhau bởi Hải Vân sơn nhưng lại chứa đựng nhiều yếu tố thuận lợi và khó khăn khác nhau; từ đó phân định nên chức năng, vai trò vị trí lịch sử cũng như định hình nên cốt cách đặc thù, mang tính bổ sung cho nhau rất rõ rệt.

Từ thời Tần - Hán, do cách trở về địa lý, Tượng quận - Nhật Nam quận thuộc những châu quận “cai trị lỏng lẻo”. Trong tình hình đó, Lâm Ấp từ thế kỷ II đã bứt ra khỏi vòng ảnh hưởng trên, thu phục được các địa hạt độc lập, phía bắc đến tận Hoành Sơn; đối trọng với phương Bắc trong việc tranh giành ảnh hưởng từ vùng đất này ra đến Cửu Chân, Giao Chỉ.

Tuy nhiên, tình hình đó đã chững lại khi Đại Việt độc lập và có xu hướng Nam tiến để mở rộng lãnh thổ. Xung đột xảy ra ở vùng phân tranh vốn là “trọng trấn phên dậu”, là “tiền đồn” của cả hai bên (từ Bố Chính đến Ô, Rí) và 5 châu này đã trở thành xứ Thuận Hóa. Về sau, nhà Hồ, nhà Lê và đặc biệt là các chúa - vua Nguyễn đã thực hiện thành công cuộc Nam tiến, Tây tiến; xứ Quảng Nam ra đời, góp phần quan trọng tạo nên bờ cõi quốc gia Ðại Việt - Đại Nam toàn vẹn.

Từ nội tình một dòng họ, với cơ duyên lịch sử của Đoan Quận công Nguyễn Hoàng - vùng đất Thuận Quảng hồi giữa thế kỷ XVI đã ươm mầm một thế lực chính trị mới trên chính trường đương thời theo vấn kế của Trạng Trình bởi phía nam Hoành Sơn thực sự là vùng đất mới khi mà họ Nguyễn, với hướng Nam độc đạo đã trở thành sinh lộ. Trên vùng “Ô châu ác địa” mà các yếu tố “thiên - địa - nhân” buổi đầu không hẳn đã thuận hòa, chúa tôi họ Nguyễn đã từng bước thoát hiểm, ổn định và phát triển dần vùng đất này. Việc dời dựng dần thủ phủ từ Ái Tử..., rồi Phú Xuân là kết quả của quá trình thử nghiệm, kiện toàn dài lâu mà khởi đầu từ sự kiện 7 vò nước dân chúng chúc mừng tân Trấn thủ và lời thuyết minh “trời cho được nước” của Thích Quốc công, thuyết Bà Trời Áo Đỏ để thu phục - ổn định nhân tâm cho đến việc thực hiện di chiếu của chúa Tiên... Thuận Quảng nhờ vậy đã trở thành đất đứng chân rộng vững của họ Nguyễn trong thế đối trọng từng bước với Bắc hà và mở rộng dần ảnh hưởng về nam. Sau chuyến tuần du phía Nam, một số chùa được thành lập: Thiên Mụ (1601), Long Hưng (ở Duy Xuyên - 1602), Bảo Châu (ở Trà Kiệu - 1607) và không phải ngẫu nhiên mà chúa Tiên cử hoàng tử thứ 6 đầy tài năng trấn thủ Quảng Nam khi ông nhìn nhận rằng Hải Vân là “đất yết hầu của miền Thuận Quảng” và chúa Tiên “thường để ý kinh dinh đất này (Quảng Nam)”. Từ đất đứng chân, bàn đạp chiến lược, thế mạnh kinh tế của xứ Quảng ngày càng được chú trọng, là nơi “đất tốt dân đông, sản vật giàu có, số thuế nộp vào nhiều hơn Thuận Hóa mà số quân thì cũng bằng quá nửa” (QSQ triều Nguyễn [1962 - 1978]: I: 42).

Năm Giáp Thìn (1604), huyện Điện Bàn được nâng lên thành phủ. Suốt một vùng rộng lớn từ Nam Hải Vân, xứ Quảng Nam trong thế phát triển mạnh, độc lập của các dinh phủ, còn định vị lại ở hai phủ Thăng - Hoa nhờ vai trò cửa ngõ kinh tế - cửa khẩu an ninh của xứ Đàng Trong, vị trí chiến lược của dinh trấn Quảng Nam..., đã làm cho vùng đất này ngày càng có vị trí nổi bật, trở thành trung tâm cho “xứ Quảng” .

Với vị trí yết hầu của Thuận Quảng, vua Gia Long (7/Mậu Thìn - 1808) lấy Tứ Quảng (Đức - Nam - Trị - Bình) làm 4 dinh Trực lệ - trực thuộc Kinh Kỳ, các dinh từ Quảng Ngãi - Bình Thuận đổi gọi làm trấn (QSQ triều Nguyễn [1962 - 1978]: III: 385). Vua Minh Mạng (1843) chỉ cho Thừa Thiên trực lệ và định ra Tứ trực: Nam trực (Quảng Nam - Ngãi), Bắc trực (Quảng Trị - Bình) và 4 kỳ: Tả kỳ (từ Bình Định - Bình Thuận), Hữu kỳ (Hà Tĩnh - Thanh Hóa) cùng Nam kỳ, Bắc kỳ (QSQ triều Nguyễn [1962 - 1978]: XIV: 318). Có lẽ từ đây, khái niệm 3 kỳ - miền (Bắc - Trung - Nam) chính thức được đề cập và trở thành 3 “chất” rất Việt Nam.

Trước hết cần khẳng định rằng cho đến thế kỷ XVI, suốt dải đất từ Quảng Bình trở vào còn thật hoang vu và điều đó càng đậm dần về Nam. Từ xứ cát Ái Tử đến việc định đô ở Phú Xuân là một quá trình điều chỉnh dài lâu và lắm thử thách. Ở một vùng đất mới, lại có nhiều mâu thuẫn và lắm dị biệt: thế lực họ Mạc, các thành phần tội đồ ly hương, văn hóa Ấn Độ giáo của cư dân Champa..., họ Nguyễn dù dựa vào “trung nghĩa quân”, tất yếu phải thận trọng. Trong quá trình dò dẫm ấy, tư tưởng “dung thân” suốt “vạn đại” của chúa Tiên buổi đầu thật lắm gian truân; tìm được đất đứng chân, phải phát triển kinh tế, thu phục - ổn định nhân tâm. Kiểm soát được dải đất Hoành Sơn - Hải Vân rồi kiêm quản Thuận Quảng trong một thời gian ngắn là thành công lớn của các chúa Nguyễn. Sở dĩ họ Nguyễn định đô ở Huế, ngoài những yếu tố thường nêu, cũng xin lưu ý rằng xứ Quảng vẫn còn “đất rộng người thưa” và rất phức tạp, vấn đề an ninh khó bảo đảm.

2. Tiền đề:


Hải Vân Quan

Trong mối tương quan Thuận - Quảng, có thể thấy đựoc một số nét đặc trưng. Thuận Hóa đất hẹp người đông, điều kiện phát triển kinh tế gặp nhiều khó khăn, như Thích Đại Sán từng nhận xét: “đất ruộng ít ỏi, lúa chẳng đủ ăn..., đều sống nhờ vào lúa gạo của hạt khác” (Thích Đại Sán, 1963: 105). Lê Quý Đôn sau này cũng cho biết Thuận Hóa là nơi “... không nhiều của cải, đều lấy ở Quảng Nam vì xứ Quảng Nam là đất phì nhiêu nhất thiên hạ” (Lê Quý Đôn,1977: 240, 337). Do vậy, cùng nhiều nguyên nhân khác, nạn nhân mãn ở Thuận Hóa chỉ mang tính tương đối, không thuần túy do dân số tăng nhanh mà chủ yếu là do điều kiện kinh tế khó khăn, dễ dẫn đến tình trạng di cư kiểu “xiêu dạt vào Nam” ngay từ rất sớm. Thương nghiệp nơi đây, đặc biệt là ngoại thương, cũng mang nhiều dáng dấp tương tự dù rằng vai trò trung tâm chính trị của Thuận Hóa đã tạo được sức hút mạnh mẽ, đem lại nguồn sinh lực chính cho thương nghiệp. Địa hình, khí hậu phức tạp đã ảnh hưởng rất xấu đến lĩnh vực này - đây là vùng có tính khu biệt rất cao, với “núi sông hiểm, cây rừng rậm rạp nhiều tê tượng hùm beo” và thậm chí các phủ không có đường lối thông nhau, muốn đi từ phủ này sang phủ khác, phải bằng đường thủy (Thích Đại Sán, 1963: 132). Hơn nữa, hệ giao thông thủy lại rất hạn hẹp, nhất là trong vai trò hải cảng, bởi “sông Huế chỉ có thể nhận những tàu nhỏ, có một bãi cát chận ngang phía ngoài cửa sông” (Vũ Hữu Minh, 1997). Thêm vào đó, vấn đề an ninh chính trị luôn được đặt lên hàng đầu, mặt biển được kiểm soát chặt, nhất là đối với thương thuyền ngoại quốc, kể cả trong mục đích thương mại cũng như tôn giáo. Do vậy, các chúa Nguyễn đã chuyển dần vai trò thông thương với bên ngoài của xứ Thuận vào cho xứ Quảng bởi “trước kia, thuyền bè người Nhật, Trung Quốc, Mã Lai và một số người ngoại quốc khác buôn bán với Đàng Trong đã từng đi vào con sông này [sông Huế]. Nhưng số lượng đông đảo và tính tình dữ dằn của nhiều người trong số họ đã làm cho chính quyền lo ngại. Từ đấy trở đi, họ bị chính quyền cấm không cho vào con sông này nữa, rồi vua chỉ định cho họ con sông Faifo và vịnh Tourane để làm cảng, nơi thuyền bè của thương nhân muốn buôn bán với kinh đô có thể đậu lại” (Vũ Hữu Minh, 1997). Quảng Nam trở thành cửa ngõ kinh tế, xét chủ quan, là nhờ vậy.

Khác với Thuận Hóa, Quảng Nam với những thế mạnh phát triển kinh tế mà ngay từ thế kỷ XVII, Lê Quý Đôn đã đánh giá cao vị trí của vùng này trong tỷ trọng kinh trế của Nam hà và nó gần như là đầu cầu tiếp thêm nguồn sống cho kinh đô Huế. Mặt khác, các hải cảng thuộc vào hàng “đẹp nhất, nơi tất cả người ngoại quốc đều tới..., người ta cập bến bằng hai cửa Tourane"(Đà Nẵng) và Pulluciambello (Hội An) (Cristophoro Borri, 1998: 91). Do nhu cầu quốc phòng, kiến thiết quốc gia cũng như phục vụ phong kiến quan liêu, chính sách mở cửa được áp dụng và điều này đã được chính những người nước ngoài nhận xét: “Chúa đàng Trong không đóng cửa trước một quốc gia nào, ngài để cho họ tự do và mở cửa cho tất cả người ngoại quốc...cùng với tàu chở rất nhiều hàng hóa của họ” nhưng với một thái độ rất cương quyết: “Phương châm của người Đàng Trong là không bao giờ tỏ ra sợ một nước nào trên thế giới” (Cristophoro Borri, 1998: 91 - 93). Chủ trương mở cửa - cảnh giác đó được thực hiện nhất quán, sau này vua Minh Mạng (1835) từng ban hành sắc lệnh cho tàu buôn phương Tây chỉ được đậu tại cửa Hàn mà “không được ghé vào cửa khác” và mọi thương thuyền ngoại quốc phải đi đúng bằng thuyền của nước mình (QSQ triều Nguyễn, 1971: 200). Thuyền buôn nước ngoài, nhờ vậy, liên tục cập bến ở vùng này. Kiểm tàu vụ (thời chúa) và nha Thương Bạc, ty Hành Nhân (thời vua) là cơ quan chuyên trách ngoại thương, đặt tại kinh đô Huế, thường xuyên cắt cử quan lại giám sát từng thương vụ (Lê Quý Đôn, 1977: 231); (Nguyễn Thừa Hỷ..., 1999: 99: 102). Tàu buôn tấp nập đến và quyền hạn quan trấn thủ Quảng Nam rất lớn nên xứ Đàng Trong, có khi còn được gọi là nước Quảng Nam.


Rừng Hải Vân

Việc phòng bị kinh đô luôn được đặc biệt chú trọng, lại lấy Quảng Nam làm cửa ngõ kinh tế với những thuận lợi như trên đã trình bày, thì việc Pháp nổ sung tại cửa biển Đà Nẵng năm 1858 cũng là một điều dễ hiểu. Không những thế, trong hòa ước Nhâm Tuất (1862), Quảng Nam là nơi “người Pháp được quyền tự do buôn bán” (Điều 5) và các tàu Pháp, Ý đến cũng đều đậu tại đây (Điều 6). Từ năm 1888 - 1950, Đà Nẵng trở thành vùng nhượng địa của Pháp và đi liền với nó là nhiều hệ quả tất yếu, trước tiên là phát triển cơ sở hạ tầng - trong lúc đó, Thuận Hóa là xứ bảo hộ của Pháp, vẫn thuộc quyền cai trị trực tiếp của triều đình Huế.

3. Hệ quả:

Với những chức năng đặc trưng đó, hai xứ Thuận Hóa - Quảng Nam đã tạo nên những nét bản sắc, góp phần hình thành nên diện mạo cơ sở vật chất cũng như cốt cách con người hai xứ.

Do vị trí phên dậu biên viễn rồi thủ phủ, kinh đô nên xứ Thuận chứa đựng những nét tính cách tiêu biểu một thời. Trong “Luận tiền tệ”, Ngô Thế Lân đã thẳng thắn nhìn nhận tiềm năng nông nghiệp vùng Thuận Hóa: “Gia Định thóc đắt thì các phủ không thể không đắt, thóc ở các phủ đắt mà dân phủ Phú Xuân không đói sao được” (Lê Quý Đôn, 1977: 302). Sự khắc nghiệt của môi trường tự nhiên, điều kiện canh tác - mùa vụ bấp bênh... đã tạo nên một tâm lý cầm chừng, càng củng cố tư tưởng “ăn chắc mặc bền, tích cốc phòng cơ - tích y phòng hàn” tận nếp nghĩ của người dân; đồng thời ở nơi hẻo lánh, con người phải gan dạ, quen chịu đựng khổ sở - như lời Lý Tử Tấn (Nguyễn Trãi, 1960: 44 - 45) và tiết kiệm là giải pháp an toàn để có thể trang trải tháng ngày.


Giữa thế kỷ XVI, tác giả “Ô châu cận lục” đã cảm nhận rất tinh tế, rằng con người nơi đây toát lên một lối sống hướng nội, hoài cổ đến bền vững: “... thói cũ giữ lâu ngày, lối mới còn quá ít”. Điều kiện khó khăn, lại thêm quan niệm nặng nề “thứ dân mạt hạng con buôn” nên tư tưởng kinh tế cũng mang đậm tính giải pháp; cư dân vùng này, cuối cùng vẫn phổ biến hiện tượng “nhà dẫu nhiều thóc gạo, túi không mảnh tiền đồng” (Vô danh thị, 1961: 43). Cái chuẩn giá trị một thời vẫn còn đậm nét, Lê Quý Đôn sau này cũng nhận xét: “Tính dân [Thuận Hóa] thực thà và tốt, đều yên phận làm ăn ở thôn quê, ít khi ra ngoài đi xa, có khi không biết huyện bên cạnh đi đường lối nào, không biết Phú Xuân phong cảnh thế nào”, hay “dân thổ trước các xã thôn thì cũng yên phận làm ăn, không quen đến thành thị. Tục ấy rất tốt, trong sạch ít việc, càn chớ quấy nhiễu” (Lê Quý Đôn, 1977: 138).

Ở một trung tâm chính trị như Huế - “thành phố quan lại”, hoạn lộ là con đường tiến thân gần như duy nhất cho mọi tầng lớp xã hội. Truyền thống khoa cử - hội tụ thành “đất học” chính là nhờ vậy. Tính cách “Mệ”, do đó cũng được hình thành từ rất sớm, xuất phát từ gia phong của các cự tộc binh nghiệp hay khoa bảng, đặc biệt là tộc Nguyễn Phước.


Công trình đường hầm Hải Vân
Trong khi đó, trở lại xứ Quảng Nam - vừa là cửa ngõ mở đầu vào vùng đất mới trù phú và hướng ra biển để giao thương với bên ngoài, lại được thiên nhiên ưu đãi nên tính “động”, “hướng ngoại” ở đây được thể hiện rất rõ. Xứ Thuận Hóa, đường thủy bộ “liên tiếp với xứ Quảng Nam, phía hữu xứ Quảng Nam lại thông với các nước phiên. Về đường biển thì cách tỉnh Phúc Kiến, Quảng Đông không đến 3, 4 ngày, cho nên thuyền buôn từ trước đến rụ hội ở đấy”. Không như Thuận Hóa - thuyền buôn thuần túy đến bán chỉ mua được ít hồ tiêu, ở Quảng Nam thì “các hàng không món gì không có, các nước phiên không kịp được... mọi hóa vật đường thủy đường bộ, đi thuyền đi ngựa đều hội tập ở phố Hội An, vì thế người khách phương Bắc đều đến tụ tập ở đấy để mua về nước..., hàng hóa nhiều lắm, dù trăm chiếc tàu to chở cùng một lúc cũng không hết được” (Lê Quý Đôn, 1977: 233 - 234).

Vai trò kinh tế của xứ Quảng thời Nguyễn, thực ra cũng chỉ là sự tái phục bởi cửa Đại (Đại Chiêm hải khẩu) là hải cảng chính của Chămpa - quốc gia phát triển mạnh về thương nghiệp và hàng hải, như lời GS. Trần Quốc Vượng là “người Chàm hướng ra biển giỏi hơn người Việt”.

Theo cái nhìn địa - văn hóa thì miền Trung bị cắt xẻ (cũng được nối tiếp) bởi các hằng số địa lý: đèo (Ngang, Hải vân, Cù Mông) -sông - đầm phá - cồn- bàu - cảng ven sông, biển. Ở đây, Quảng Nam chính là trọng tâm của hằng số “cảng” - chi phối mạnh mẽ, tạo nên linh hồn của “thị” xứ Quảng. Với khái niệm đô thị, phương Đông và phương Tây có nhiều điểm dị biệt: ở phương tây, một trung tâm thương nghiệp trở thành trung tâm chính trị và phương Đông, ngược lại. Chúng ta cũng thấy được điều này ở đô thị Thuận Quảng. Chức năng thủ phủ - “đô” của Thuận Hóa với tổng thể nhu cầu đồ sộ về an sinh (nhất là phục vụ phong kiến quan liêu), quân sự, kiến thiết quốc gia... là hấp lực lớn trở thành nguồn sinh lực chủ quan cho “thị” Huế, tạo điều kiện cho kinh tế phát triển. Trong khi đó, vai trò của vùng Chiêm cảng dần được tái phục nhờ những ưu thế vốn dĩ và chức năng cửa ngõ kinh tế thời chúa - vua Nguyễn. Yếu tố “thị” phát triển mạnh bằng nội lực, xuất phát từ nhu cầu khách quan. Như vậy, tổ hợp “đô - thành” là linh hồn của đô thị xứ Thuận thì “thị - phố’’ đóng vai trò chủ đạo của đô thị xứ Quảng. Chúa Nguyễn đã sớm nhận ra được thế địa - văn hóa, vai trò Chiêm cảng đó nhưng do không thể đô thị hóa để phát triển một trung tâm chính trị (vốn nghèo tiềm năng kinh tế, thêm vào đó là an ninh chính trị) nên vai trò trung tâm thương nghiệp đã được chuyển về Nam - lấy Quảng bổ sung cho Thuận trong vai trò cửa ngõ kinh tế - giao thương. Vua Gia Long sau này, chọn Huế làm kinh đô, ngoài những nguyên nhân chính trị - quân sự, tâm linh (cán cân đất nước, phong thủy, nơi tổ tiên gây dựng cơ nghiệp...), còn có vai trò nổi bật của mối quan hệ bổ sung giữa trung tâm chính trị - kinh đô, và trung tâm kinh tế Quảng mà không dễ làm phương hại đến an ninh quốc gia.



Đèo Hải Vân

Từ hai đô thị khác biệt về chất như vậy, đã định nên bản sắc đặc thù của tầng lớp thị dân. Sức sống của “phố - thị” là thực lực và hiệu quả kinh tế, không quá nặng về hình thức - muốn tạo một vành đai hào nhoáng quanh mình. Trong guồng quay khắc nghiệt của thương trường, thị dân phố thị cởi mở hơn với sức năng động, nhạy cảm, khả năng dự báo và xử lý cao. Phải chăng câu ca “Quảng Nam hay cãi...” cũng phần nào phản ánh điều đó - chúng tôi muốn khai thác ở khía cạnh tích cực: tính bộc trực, thẳng thắn, năng động, nhu cầu giải quyết ngay những khúc mắc - phản ứng “cãi” lại lập tức, mà không soát xét, chiêm nghiệm trong một quá trình dài về sau như con người xứ Thuận. Xứ Thuận thực sự “cận thị, cận giang” hơn hẳn mọi nơi ở miền Trung. Kinh tế hàng hóa phát triển, nội - ngoại thương được đẩy mạnh và nhu cầu giao thương của con người càng trở nên bức thiết. Nguồn sản vật dồi dào, đời sống kinh tế ổn định nên “dân ở xứ ấy chưa từng lấy sự chứa [tích trữ] thóc lúa làm lợi” (Lê Quý Đôn, 1977: 301). Nhờ vào vị trí giao thương thuận lợi mà con người cởi mở, nhiệt tình, thích tự do, thích giao thiệp rộng rãi (Cristophoro Borri, 1998: 49 - 53); thậm chí, việc buôn bán phát triển - không như ở Thuận Hóa - đã tạo được guồng quay mạnh mẽ, cuốn theo nhiều thành phần trong xã hội tham gia: “Người địa phương tập dạy cho thồ chở hàng hóa..., cho đến đàn bà buôn bán đi chợ hay đi xa [ra ngoài] cũng cưỡi ngựa là chuyện thường” (Lê Quý Đôn, 1977: 337). Ở đây, nếu được tóm lược chất Thuận Quảng, chúng tôi xin đơn cử câu ca:

“Ai về nhắn với nậu nguồn


Măng le chở xuống, cá chuồn gửi lên”.


Trong khi đó với Huế, dù rất “thương” nhưng vẫn “sợ”:

“Thương em anh cũng muốn vô


Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang”.

Một yếu tố nữa cần đề cập ở đây là, phần lớn những lớp dân Nam tiến luôn mang đậm chất tiên phong, cách mạng; có như vậy, họ mới đủ nghị lực, lòng dũng cảm để đành lòng rời bỏ quê cha đất tổ ra đi hầu mong cuộc sống ngày mai tốt đẹp hơn. Nhưng trong suốt quá trình Nam tiến đó, môi trường sống, những lệ định nặng nề đến hà khắc, ngặt nghèo tại xứ Thuận Hóa đế đô đã làm dịu hẳn những nét “động” về mặt tính cách đó. Điều quan trọng hơn, con người nơi đây phải hòa hơn để phù hợp với môi trường sống, đặc biệt là nhờ vào chất keo - men kết dính tính cố kết cộng đồng của Phật giáo mà từ buổi đầu, Huíú là một trung tâm.

Và bên kia Hải Vân sơn, những nét “động” về mặt tính cách đó, tiếp tục được phát huy nhờ vào kết cấu vững chắc của tổ hợp “thị - phố” xứ Quảng.

4. Thay lời kết:

Thuận Quảng, xét theo phạm vi hẹp, là vùng đất đứng chân chiến lược của chúa - vua Nguyễn; xét trên bình diện rộng thì lại chính là toàn bộ lãnh thổ xứ Đàng Trong. Hai chức năng cụ thể của hai “xứ”- cửa ngõ kinh tế và trung tâm chính trị - gần như gắn bó, bổ sung nhau suốt một giai đoạn lịch sử quan trọng, trở thành mối quan hệ máu thịt trong việc phân định chức năng - bản sắc vùng miền. Các giá trị đó luôn mang tính lịch sử sâu sắc và việc khẳng định được những giá trị bản sắc trong quá trình phát triển thể hiện sinh động sức sống của một vùng văn hóa. Đó chính là vấn đề nổi bật đặt ra cho văn hóa xứ Huế, xứ Quảng hôm nay.

Trần Đình Hằng

Tài liệu tham khảo:

1. Cristophoro Borri (1998) Xứ Đàng Trong năm 1621, Nxb Tp. Hồ Chí Minh.

2. Kawamoto Kunyie (1997) “Nhận thức quốc tế của chúa Nguyễn ở Quảng Nam căn cứ theo ‘Ngoại phiên thông thư”, trong Kỷ yếu HTQT về đô thị cổ Hội An, Hà nội: Nxb. Khoa học Xã hội.

3. Đỗ Bang (1997) Phố cảng Thuận Quảng thế kỷ XVI - XVIII, Huế: Nxb. Thuận Hóa.

4. Jean Koffler Mô tả lịch sử xứ An Nam (Description Historique de la Cochinchine), bản dịch tư liệu Khoa Lịch sử, Đại học KHXH & Nhân văn Hà Nội (không đề năm).

5. Lê Đản (1996) Nam hà tiệp lục, kho sách Viện Hán Nôm, bản dịch Nguyễn Đình Thảng.

6. Lê Đình Cai (1971) 34 năm cầm quyền của chúa Nguyễn Phúc Chu, Đăng Trình xuất bản.

7. Lê Quý Đôn (1977) Toàn tập, T1: Phủ biên tạp lục, Hà Nội: Nxb Khoa học Xã hội.

8. M. de la Bissachère Tình hình hiện nay ở Bắc Kỳ, Nam Kỳ và các vương quốc Cao Miên, Lào và Lạc Thổ (Etat actuel du Tonkin, de la Cochinchine et des royaumes de Cambodge, Laos et LacTho, Paris, 1912), bản dịch tư liệu KHoa lịch sử, Đại học KHXH và NV Hà Nội (không đề năm).

9. Nguyễn Thừa Hỷ... (1999) Đô thị Việt Nam dưới tthời Nguyễn, Huế: Nxb Thuận Hóa.

10. Nguyễn Trãi (1960) Dư địa chí (Ức trai thi tập), Viện Sử học.

11. Nguyễn Văn Siêu (1997) Đại Việt địa dư toàn biên, Hà Nội: Viện Sử học - Nxb. Văn hóa.

12. Phan Huy Chú (1997) Hoàng Việt địa dư chí, Huế: Nxb. Thuận Hóa (Phan Đăng dịch).

13. QSQ triều Nguyễn (1962 - 1978) Đại Nam thực lục, [Tiền biên và Chính biên], Hà Nội: Viện Sử học.

14. QSQ triều Nguyễn (1992) Đại Nam nhất thống chí, T. II, Huế: Nxb. Thuận Hóa.

15. QSQ triều Nguyễn (1971) Quốc tiều chính biên toát yếu, Nghiên cứu Sử Địa xuất bản.

16. Thích Đại Sán (1963) Hải ngoại kỷ sự, Viện Đại học Huế, Ủy Ban Phiên dịch Sử liệu Việt Nam.

17. Trần Kỳ Phương (1991) “Cửa Đại Chiên thời vương quốc Champa”, trong Kỷ yếu HTQT về đô thị cổ Hội An, Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội.

18. Trần Quốc Vượng (1991), “Vị thế địa - lịch sử và bản sắc địa văn hóa của Hội An”, trong Kỷ yếu HTQT về đô thị cổ Hội An, Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội.

19. Trần Quốc Vượng (1998) Miền Trung Việt nam và văn hóa Champa, một cái nhìn địa - văn hóa, Hà Nội: Nxb. Văn hóa Dân tộc, Tạp chí Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật xuất bản.

20. Vô danh thị (1961) Ô châu cận lục (Dương Văn An nhuận săc, tập thành; Bùi Lương phiên dịch), Văn hóa Á châu xuất bản.

21. Vũ Hữu Minh (1997) “Tấm bản đồ Huế của Le Floch de la carrière năm 1787”, trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học 310 năm Phú Xuân - Huế, Huế.
Go to the top of the page
 
+Quote Post

Reply to this topicStart new topic
> 1 Người đang đọc chủ đề này (1 Khách và 0 Người Ẩn Danh)
0 Thành Viên:

 

.::Phiên bản rút gọn::. Thời gian bây giờ là: 4th May 2024 - 06:16 PMSpring Style