Chào mừng Khách ( Đăng nhập | Đăng kí )

IPB
 
Reply to this topicStart new topic
> TRUYỆN HAY "MỘT CHUYẾN ĐI", Nguyễn Danh Lam
phamhonglam
post Nov 18 2007, 05:37 PM
Bài viết #1

Đại tá
*****

Nhóm: Chỉ huy
Bài Viết: 320
Gia Nhập: 12-March 05
Đến Từ: Đà Nẵng
Thành Viên Thứ: 20



Một chuyến đi
Nguyễn Danh Lam
Khi anh về đến nhà, cô vẫn chưa về. Chiếc đồng hồ treo tường chỉ con số 9, nhưng anh chưa một lần tin rằng nó chỉ đúng. Đôi khi bảy giờ nó buông bốn tiếng chuông và giờ trên ti vi lúc ấy là sáu.
Anh xé một tờ lịch, lật mặt sau, miệng ngậm nắp bút bi, ghi vài dòng: Anh đi ba ngày, có thể lâu hơn - Yêu em. Dằn mảnh giấy dưới lọ nước hoa trên bàn phấn của cô, anh tắt đèn phòng.
Chưa đến cổng bến, một chiếc xe trờ ngang mặt. Gã lơ thò cổ dòm sát anh:
- D không, D không? Lên xe chạy lẹ!
Anh thừa biết loại xe này, chạy lẹ có nghĩa là ba tiếng nữa mới ra đến cây cầu cửa bắc thành phố. Kệ. Anh ném cái túi du lịch qua cửa sổ, đu người lên.
Trên xe có sẵn mấy người khách. Hai bà đang ngủ. Một ông ngồi đốt thuốc vặt, gương mặt lập lòe như di ảnh. Ông ta dịch sang một bên, nói với anh:
- Ngồi đây cho vui.
Anh biết ông ta đang muốn tìm người tán gẫu. Tất nhiên đó là điều anh không muốn, nhưng từ chối lại dở, đành ngồi xuống. Y như rằng, một câu hỏi:
- Lên D à?
- Vâng.
- Thăm bà con hay làm ăn?
- Bạn.
- Ở phố hay huyện?
- Huyện.
- Huyện nào?
Anh bắt đầu chán, giả bộ lục tục co chân, thu xếp chỗ ngồi để không phải trả lời. Nhưng người đàn ông vẫn truy kích:
- Huyện nào?
- K?
- Xa đấy!
- Vâng.
Phố bắt đầu khuya. Xe vắng, vài chiếc vụt ngang, vội vã. Anh bực vì quên đem theo cái nón úp mặt. Người đàn ông lại lải nhải:
- Đó giờ cậu lên D mấy lần rồi?
- Lần này nữa là một trăm.
- Khà khà, vậy là có "ghệ" trên này rồi!
Anh thở ra:
- Không, tôi chỉ đi thăm bạn.
Người bạn mà anh nhắc tới, gặp nhau lần cuối đã gần năm năm. Trong cuộc nhậu hắn nằng nặc: Nhất định mày phải lên tao. Anh ừ. Thằng bạn dí tận nơi: Tuần sau đi. Anh lại ừ. Hắn cho cái địa chỉ. Đơn vị địa lý cuối cùng là cấp xã. Nhưng dặn thêm: Mày lên cứ hỏi thằng H đánh xe bò, ai cũng biết. Anh hứa tháng sau, thi tốt nghiệp xong sẽ lên. Và giờ, anh đi làm đã bốn năm, có vợ hai năm.
Người đàn ông rít nốt ngụm khói cuối, búng cái tàn ra cửa. Bỗng có tiếng la bai bải, rồi tiếng chửi tục bên ngoài:
- Dừng xe! Dừng xe! Đó đó, thằng đó! Mày đền cái áo tao...
Anh ngửa đầu ra sau ghế, khép mắt. Cái xe dừng. Có tiếng đập thành xe. Người đàn ông run rẩy thụt sâu vào ghế nhưng vẫn bị lôi tuột xuống đất. Bên ngoài hỗn loạn. Tiếng gã lơ xe phân trần. Tiếng người đàn ông mếu máo. Tiếng mấy bà bàn tán xôn xao...
Người đàn ông lại lên xe. Từ đấy trở nên câm nín. Cái xe lại chạy. Rề rề. Tiếng gã lơ í ới. Anh không nghĩ là mình ngủ trong lúc nhắm mắt, nhưng khi mở mắt ra đã thấy ngoại thành. Xe tăng tốc. Ném vùn vụt lại phía sau những mái nhà im ngủ. Cái điện thoại rung. Anh có tin nhắn, của cô: Anh đi bao giờ về? Tin hồi âm: Em coi mảnh giấy trên bàn - Nhớ nhiều! Không thấy tin lại. Anh tắt máy, ngả người ra sau. Phía trước đã có thêm nhiều bóng đen, tất cả lắc đều theo nhịp xe.
Xe chạy vặt. Lâu lâu lại dừng. Lúc bác tài ăn khuya. Lúc bà con tiểu tiện. Anh không rời ghế. Giấc ngủ chập chờn. Đôi khi anh mơ thấy thằng bạn. Mơ, nhưng hình dung lại từng đặc điểm của khuôn mặt nó thì anh chịu. Chỉ có ấn tượng là một nắm nhàu nhò, những cái rãnh cáu bẩn, những cái gò bóng lưỡng mồ hôi. Chấm hết.
Bỗng có tiếng thút thít. Anh giật mình nhận ra người đàn ông bên cạnh mình đang khóc. Khóc thật. Vai rung lên. Hai bàn tay vặn vào nhau. Xen giữa những cái hít dài là những tiếng ậc ậc. Chán. Anh suýt bật một tiếng thở dài. Ông ta khóc một lúc lại giở thuốc ra hút. Khói thuốc có mùi tanh nhiều hơn khét. Lần này thì hai bàn tay ông ta khum lại thật cẩn thận, be chặt đốm lửa. Lâu lâu ông ta lại liếc sang anh. Anh giật mình, khép vội mắt. Với típ người này, chỉ cần bật ra một câu hỏi đại loại: Bác làm sao vậy? Không biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Hai quầng đèn cắm thẳng vào đêm. Lâu lâu lóe lên bên vệ đường đôi đốm sáng xanh, mắt của một con thú nào đó. Anh biết cơ thể mình đã có nhu cầu ngủ, nhưng lại không cảm thấy buồn ngủ. Trong vỏ não là một khoảng trống không. Đôi khi anh ráng nhắm mắt chỉ là để tránh cái nhìn của người đàn ông bên cạnh. Thấy ông ta đã gục gặc, anh lại mở mắt ra.
Trên xe chỉ còn anh và gã tài là thức. Mà dường như ngay cả gã tài cũng đã ngủ. Chiếc xe đang tự động trôi. Cuối cùng, anh ngủ nốt. Một giấc ngủ khô.
Trong gió đã thoảng nghe mùi phân. Trời rạng. Những triền đồi lô nhô trải dài. Mấy người đàn bà bắt đầu nói chuyện. Người đàn ông bên cạnh ập đầu vào vai anh. Một dòng nước miếng nhuộm vai áo anh từ lúc nào không hay. Anh đẩy đầu ông ta ra. Được vài nhịp lắc nó lại ập vào. Anh kệ, khi thấy dòng nước miếng kia đã đứt. Ông ta ngủ như một đứa trẻ trong đống rơm sau khi ăn đòn.
Trời sáng hẳn. Bác tài tấp cây nước lề đường. Mọi người xuống rửa mặt. Lần này anh cũng xuống. Mặt đường nhẵn bóng, mát lạnh, anh ngồi hai tay chống phía sau, ngó hút chân trời. Núi u ám. Rừng quện một lớp sương dày đặc. Ngoài nhóm người vừa được chiếc xe rũ rượi nhả ra, cảnh quan quá đỗi tịch liêu. Anh có cảm giác mình có thể trườn người ra giữa lộ, nằm ngủ một giấc, thức dậy vẫn toàn thây.
Anh để ý tìm người đàn ông. Một dáng vẻ bệ rạc hẳn, so với nhân vật quấy rầy anh bằng cái miệng mau mắn hồi đêm. Ông ta đứng chờ nước nhỏ ra từ cái bồn, phía sau mấy người đàn bà, vai vắt một chiếc khăn cáu bẩn, tay lần xuống nhay nhay đáy quần. Anh thở dài.
Lại lục tục lên xe. Anh nhường chỗ cho người đàn ông bước vào trước. Lần này thì chính anh hỏi:
- Đêm qua bác ngủ ngon không?
Người đàn ông chưa trả lời ngay. Mắt dòm xa. Một lúc sau, nửa như trả lời anh, nửa như nói một mình, nửa như hỏi:
- Đây là đâu nhỉ?
Tất nhiên anh không biết.
Mặt trời nhô dần phía sau rặng núi. Nắng cam. Đất nâu. Lá xanh. Trời thăm thẳm. Quang cảnh như tự khởi thủy đã thế rồi, không thay đổi. Nó tạo cho anh cảm giác hơi ngợp, kiểu rơi tự do.
Nhưng quang cảnh ấy kéo dài không lâu. Bắt đầu có những mái nhà. Dầu vậy sự hoang liêu cũng chẳng bớt đi. Những mái nhà không phải được bàn tay con người dựng lên. Chúng mọc ra từ đất, như thể những ụ mối. Từ trong ụ mối ấy, đôi đứa trẻ chạy vụt ra lề đường, nhìn xe. Anh có ấn tượng với đôi mắt và cái bụng của chúng.
Xe vào bến. Anh móc điện thoại, khởi động. Đinh ninh sẽ có tin nhắn, nhưng mấy phút trôi qua, anh nhìn màn hình vẫn trống trơn.
- Từ đây có xe vào K không? - Anh chồm tới hỏi gã lơ. Gã gật:
- Có tài mười giờ, nhưng chỉ vào đến cách K ba mươi cây số, quãng còn lại anh sẽ phải đi xe thồ. Đường khó đi lắm đấy.
Anh cảm ơn, móc túi đưa gã mấy ngàn. Gã dẫn anh đến tận chỗ đậu xe vào K. Còn gần một tiếng nữa xe mới chạy. Anh quẳng cái túi qua cửa sổ, không dặn ai trông giùm, đi kiếm một ổ bánh mì.
Nắng bắt đầu gắt. Anh ngồi trệu trạo. Bữa ăn gần nhất là từ trưa hôm trước, với cô, có khăn lạnh đập bốp bốp, bia và đồ tráng miệng. Ngứa lưng, anh đưa ổ bánh mì ra sau đẩy vài nhát. Chiếc xe nổ máy. Đám gà con trong mấy cái bu trên mái giật mình nhao lên một lượt. Gã lơ vỗ thùng xe:
- Lên đi!
- Tôi đu bên ngoài cho mát được không?
- Giờ ngồi trong đi, ra khỏi phố ông đu.
Anh quăng mẩu bánh mì còn lại vào giỏ rác.
Trên xe, hàng hóa nhiều hơn người. Anh thấy có cả nước đá cây, đang nhỏ giọt. Mì gói. Nước ngọt đóng thùng giấy. Chén bát nhựa. Một ông ngồi ôm trong lòng cái ti vi để trần. Gã lơ hỏi:
- Cái này bao nhiêu hả bố?
- Con nó mua cho.
- Thùng đâu rồi?
- Thùng sao cơ?
Xe lắc như thể muốn lật nhào, nhưng gã tài vẫn giữ tốc độ cao. Bụi đuổi sau xe đỏ quạch. Lắc một lúc, hành khách trên xe cũng đỏ. Anh nhìn đồng hồ. Đã vào chiều. Lúc này thì cơn ngủ ập tới. Anh ôm cái trụ trên xe để khỏi ngã. Thiếp đi những giấc ngắn, lắc lư.
Chừng một tiếng, anh bật dậy, thấy khỏe hẳn ra. Hai bên đường rừng ngút ngàn. Những tán lá đập ràn rạt vào mui xe. Có lẽ trên tuyến đường này không còn phương tiện vận chuyển cơ giới nào khác.
Xe vào đến K, trời đã xế. Phố huyện đỏ quạch. Mấy gã xe thồ bu lại. Anh bảo vào xã thằng bạn. Tất cả đều lắc đầu, chỉ gã khác. Hỏi đến gã cuối cùng, anh phải năn nỉ. Gã vẫn kiên quyết lắc đầu:
- Ông thông cảm, giờ này vào trong đó ra là tối mịt. Gia tài tôi chỉ có cái xe này!
Anh ngước mắt, con đường dựng đứng vào hoàng hôn một màu đỏ ối. Chẳng thấy bến thấy bờ. Gã xe thồ thông cảm, bảo anh:
- Ông cứ lội bộ tàn tàn, tìm cái xe bò nào đó mà nhảy lên. Xe bò "tự hành" không có chủ đâu!
Anh tỏ vẻ không hiểu, gã xe thồ giải thích:
- Xe bò chở gỗ trong xã ra. Người ngoài này đón. Xong, chỉ cần dắt nó đến đầu đường, thả ra, tự khắc nó kéo xe về lại nhà!
Anh cảm ơn, vắt giỏ lên vai, không còn cách nào khác.
Mặt trời xiên khoai trên mênh mông đồi núi. Đoạn này không còn rừng nữa. Chỉ ngút ngàn cỏ úa, phủ một màu bạc trắng đến tận chân trời. Anh sục giày vào đám bụi. Mỏi miết. Đi rất lâu, vẫn chỉ thấy con đường vắng đến rợn người. Chính giữa lối là hai vệt mòn nhẵn do bánh xe để lại, sáng ánh lên những tia hấp hối của ngày.
Cuối cùng cũng xuất hiện một đốm đen phía cuối con đường. Anh tăng tốc, chạy. Nhưng chỉ được mươi bước đã thấy sức lực tuột xuống hai chân. May cho anh, đốm đen quả thật là một chiếc xe bò. Con bò bước còn chậm hơn anh. Mặc, phải tận dụng sức của nó thôi. Và nó còn biết đường dẫn anh đến đích.
Anh nằm ngửa trên sàn xe. Cái túi kê làm gối. Mùi phân và nước đái bò ngợp vào mũi. Nao nao. Nắng đang dần lịm. Anh thấy một đàn chim bay cắt bầu trời theo hình chữ V. Con bò bước rất đều. Xương hông nhô lên. Đầu cúi gục. Anh định trườn tới vỗ vào mông nó, như một sự nhờ cậy, nhưng lại thôi. Biết đâu nó lồng lên.
Trời tối hẳn. Đêm không trăng. Sao bạt ngàn, xanh điếng như trong những cuốn phim anh xem có bối cảnh vùng cực đêm. Gió quá mát, anh phải ngồi dậy, sợ sẽ thiếp đi lúc nào không hay. Giờ thì anh hiểu tại sao đám xe thồ từ chối chở anh. Anh mở đèn điện thoại, chỉ để xem giờ. Sóng của nó đã mất hẳn. Anh hơi giật mình, cột pin cũng chỉ còn lại có một gạch. Anh đã quên biến mất việc sạc nó trước khi lên đường! Giờ thì anh đã hoàn toàn tách biệt khỏi thế giới. Anh nghĩ về cô. Gương mặt, phục sức. Tất cả như một giấc mơ xa lắc. Đã 8 giờ hơn. Hôm qua, giờ này, anh vẫn dừng xe nơi đèn đỏ ngã tư, đầu óc quay quay vì mấy ly bia ngồi cùng đám bạn.
Bên đường lù lù hiện ra một mái nhà. Anh giật bắn người. Quơ vội cái túi, nhảy khỏi xe. Biết đâu gã chủ con bò vớ được sẽ có những rắc rối. Anh nhớ lại sự vụ trên xe đêm trước. Người ta luôn có thể gặp phải những tai họa chẳng bao giờ lường được.
Anh bước thẳng về phía ngôi nhà nọ. Trong nhà le lói ánh đèn, nhưng cửa đã khép. Một con chó hực lên. Anh ngại. Cứ đi, hẳn đây đã vào đến xã, sẽ có nhà khác còn ngỏ cửa.
Nhưng sau cái nhà ấy lại là đêm tối mênh mông. Không biết con bò đã kéo chiếc xe đi đâu! Trước anh? Sau anh? Hơi hoang mang, anh lại bước. Vì ngồi trên xe bò, anh cũng khó nhắm chừng đoạn đường đã qua. Còn bao nhiêu nữa? Anh căng mắt nhìn. Đêm chỉ có ánh sao, trời lại không mây nên càng tối. Anh ngại lạc mất chiếc xe, sẽ lạc luôn cả đường. Nhưng quả thực con bò đã biến mất, như thể một cỗ xe ma. Anh căng óc nhớ, có đoạn rẽ nào không nhỉ? Theo anh thì không. Mà biết đâu với con bò lại khác?!
Anh dấn bước. Giờ thì thật sự một mình. Nỗi lo ngại bắt đầu hiện ra, đã 8 giờ hơn, mà dân vùng này hẳn không có thói quen lên giường sau gà quá lâu.
Anh đi thêm chừng nửa giờ mới lại thấy tiếng chó sủa. Từ rất xa, có một đốm sáng lay lay, mông lung. Lần này thì cứ phải sục vào tận nhà người ta mà hỏi. Đốm sáng lay lay nọ phát ra từ ngọn đèn, treo đu đưa dưới mái hiên một căn nhà bên đường. Anh dừng lại. Một người đàn bà đang sàng cái gì đó trong sân. Anh đánh tiếng. Người đàn bà rướn cổ ngó. Tháo cái đèn, bà xách nó trên tay bước ra. Một con chó nhũng nhẵng theo sau người đàn bà. Nó không sủa.
- Tui từ thành phố lên đây. Xin chị cho hỏi nhà anh H đánh xe bò?
- H đánh xe bò? - Người đàn bà nhíu mày - Vùng này ai hổng đánh xe bò. Mà tên H cũng nhiều nữa!
- Cậu ấy đánh xe bò từ cách đây năm năm.
- Cậu chờ, để tui vô hỏi.
Theo sau người đàn bà là một tiếng ho.
- Anh này hỏi ông H đánh xe bò.
Tiếng ho của một người đàn ông. Vừa nhìn, anh thoáng giật mình, ông ta rất quen. Nhưng ngay lập tức anh nhớ ra, có một vẻ giống nhau nào đó giữa người đàn ông này và người đàn ông trên xe hồi đêm.
- H có vợ tên chi? Con tên chi?
Quả thực anh bí. Cũng nghe nói thằng bạn đã có vợ, có con. Nhưng cụ thể thế nào, anh chịu. Mà mô tả vóc dáng của nó lại càng bất lực. Đàn ông vùng này có lẽ ngàn người như một.
Điều cuối cùng anh thu lượm được là hãy đi tiếp, biết đâu có người khác biết!
Những mái nhà đã dày hơn. Có lẽ đây đã là trung tâm của xã. Chợt nghe từ xa có tiếng hát nhừa nhựa. Anh nhắm phía tiếng hát. Không chỉ một người mà là bốn người đàn ông đang ngồi nhậu.
- H đánh xe bò? Tụi bay biết thằng nào tên H đánh xe bò không? - Người đàn ông lớn tuổi nhất hỏi ba gã còn lại.
- Đánh xe bò cách đây năm năm - Anh bổ sung.
Một gã trẻ tuổi bật ra:
- Hay ông H đen? Phải H đen không?
Anh ngẫm, thằng bạn mình cũng đen. Bèn gật.
Gã kia hơi sững người. Ba kẻ còn lại cũng nhìn anh, vẻ ái ngại:
- Mà ông gặp ông H cách đây lâu chưa?
- Cũng khoảng năm năm rồi.
- Thằng H đen chết rồi, chết ba bốn năm rồi, ông không nghe sao?
Anh tái người:
- Cậu ấy chết vì sao?
- Bệnh chết.
Anh không tin lắm, thằng bạn mình xưa nay không có vẻ gì là bệnh tật.
- Ngoài ông H đã mất kia ra, mấy anh còn biết H nào không?
- Tụi tui chỉ biết thằng H đó. Mà ông lên đây giờ này làm sao kiếm? Thôi ngồi làm với tụi này vài ly. Ngủ lại luôn, mai tính.
Anh cảm ơn, hẹn sẽ quay lại nếu không tìm được. Anh đi mấy bước, tiếng hát nhừa nhựa nọ lại cất lên, rồi mấy tiếng bè theo.
Đêm đã vào sâu, càng trở nên thanh vắng. Anh phân vân, hay là quay lại nhập chiếu nhậu với nhóm người kia. Nhưng lại thấy quá lạc lõng. Anh dấn tới. Hai bên đường hiện ra mấy chiếc lều tranh. Có vẻ như một cái chợ. Trong một cái lều trống tuênh, anh chạm phải một cặp nam nữ đang ghì lấy nhau. Thấy anh, họ buông vội nhau ra. Người thanh niên lom lom nhìn anh. Anh bèn hỏi bừa:
- Xin lỗi anh chị. Tui từ thành phố lên đây, kiếm nhà anh H đánh xe bò?
- H chừng bao nhiêu tuổi?
- Khoảng ba mươi đến bốn mươi - Anh sực nhớ ra, bèn thêm - H lâu lâu hay về thành phố.
Người thanh niên đứng hẳn dậy:
- Anh Hai tui cũng tên H, cũng đánh xe bò. Anh dòm tui giống ổng không?
Người thanh niên bật quẹt, tự soi lên mặt mình. Anh mừng rỡ. Anh ta rất giống H, bạn anh.
- Đúng rồi! Tui là bạn H đây. H về thành phố hay nhậu với tui lắm. Nhưng lần cuối tui gặp H cách đây đã năm năm.
Người thanh niên quay lại phía cô gái vẫn ngồi co ro trong chiếc lều, có lẽ là sạp bán hàng vào ban ngày:
- Em chờ anh đưa anh này về nhà anh Hai được không?
Cô gái giãy nãy:
- Trời đất. Làm sao em ngồi đây một mình?!
Thấy việc tế nhị. Anh vội nói:
- Thôi, gặp anh đây là tui mừng lắm rồi. Anh cứ chỉ đường, tui tự tới nhà H.
- Anh phải đi ngược ra đầu xã... - Người thanh niên chỉ vẽ cho anh khá tường tận.
Anh cảm ơn lần nữa, mừng rỡ trở lui. Đám người khi nãy vẫn ngồi nhậu với giọng hát nhừa nhựa khi anh đi ngang.
Đường quay lui tưởng vậy mà khá xa. Ngõ vào nhà H tối um với hai hàng cây lúp xúp hai bên, chẳng rõ là cây gì. Anh e hèm. Tiếng bầy chó hực lên. Nhà đã đóng cửa. Đèn đã tắt. Bầy chó sủa một lúc lâu mới thấy tiếng động bên trong. Ánh sáng bừng lên. Anh thở ra một hơi. Miếng liếp cửa được chống lên. Một người đàn ông bước ra. Dáng quen thuộc. Anh hỏi như reo:
- Phải H đó không?
- Ai vậy?
- Tao nè!
Người đàn ông tiến lại gần. Thật sát. Anh hơi bàng hoàng:
- Anh... anh là H? H... đánh xe bò?
- Dạ, tui đây.
Hoàn toàn không phải là H bạn anh! Chẳng còn muốn hỏi gì thêm, ngoài mấy lời xin lỗi, anh nặng nhọc quay trở lại con đường vào xã.
Tất cả đã vắng tanh. Nhóm người nhậu, cặp nam nữ trong cái lều bên đường, không ai chờ phút anh quay lại. Anh thả cái túi xuống miếng ván ban ngày dùng làm sạp chợ. Gió đêm ném lên mặt anh một đám bụi khô. Ngân hà vằng vặc. Anh nghe thoảng mùi khói trầm. Trên cái sạp gần đó lung lay một nắm nhang đỏ quạch. Có ai đó vừa đốt nó lên, nhưng cũng đã bỏ đi rồi. Cái túi kê trên đầu, anh nằm xuống, rút điện thoại định xem giờ. Màn hình lóe lên, một tiếng bíp nhỏ, rồi tắt ngấm. Một mình anh. Tan trọn vẹn vào đêm.
Khóc đi, bé con!
Đỗ Thanh Vân
1. Một buổi sáng thức giấc sau cơn sốt dài, mẹ giật mình nghe bà giúp việc chân chất, với vẻ mặt ân cần nhất, khuyên: "Cô ơi, cô phải đi siêu âm đầu đi!".
Trong khi nó giấu mặt vào tay cười ngặt nghẽo trước câu nói ngô nghê, thì mẹ nó, bằng cử chỉ lo sợ, đưa bàn tay gầy xanh lên sờ quanh đầu. Thốt nhiên nó lặng im.
Nỗi sợ nào cũng khiến người ta nhỏ xíu lại thì phải. Nó nghĩ. Nó luôn thèm được đứng thẳng mạnh mẽ và kiêu hãnh, và giống với tất cả mọi người. (Ai chẳng có điều khổ tâm riêng tư, vì thế, nó thấy khinh ghét mình vô độ khi mở miệng than thở một điều gì!). Khi ai đó nói với mẹ nó rằng, cần phải siêu âm đầu đi, thì cũng có nghĩa từ đó trở về sau, sẽ có thêm trong mớ bung xung suy tưởng của mẹ nó, một ý nghĩ quan trọng cần được soi cho thấu rõ những gì đang xảy ra bên trong đầu. Nó thấy thương mẹ quá, dù chẳng ai dùng từ siêu âm cho cái đầu.
Một nhà văn đàn anh mà nó hết sức kính trọng lấy cảm hứng viết truyện từ Cái đầu. Cũng hay. Từ ngày tập tọng viết lách, nó thấy cái gì cũng mới, duy chỉ có một thứ cũ kỹ là chính những trang viết của nó, cũ kỹ đến chán nản, cũ kỹ mà không được là cổ điển. Cũng chính người anh ấy đã chân tình cốc đầu nó, mà rằng: "Em đang tự đào cho mình một cái rãnh, rồi cứ trôi tuột trong đó!". Lúc đầu, ít ra, nó đã tự hào rằng qua nhận xét đó, nó cũng có cho mình một thứ gì đó riêng biệt. Nhưng càng về sau, nỗi ám ảnh cái rãnh càng lớn, nó thấy mình cũng thèm được đi siêu âm.
Kết thúc cuộc tình hai năm với người đàn ông lớn tuổi hơn nó, chín chắn hơn nó, đạo mạo hơn nó, vững vàng hơn nó và cưng chiều nó như một trái trứng mỏng. Mùa dịch đến. Nó không muốn làm trái trứng bị kiểm duyệt và đóng dấu, nó tự cho mình bung bứt ra khỏi đó. Tình yêu mà. Nó vẫn ước có thật nhiều sóng gió để hiểu lòng nhau, đến khi hiểu ra rồi, sau tan tác thiên tai, thấy tâm hồn mình héo úa xơ xác đáng tội nghiệp, như mảnh đất nhiều mùa sau chẳng thể ươm mầm bất cứ giống cây nào. Rồi nó gặp anh, trong trạng thái vẫn còn đang giãy trong trái trứng cố hữu, anh soi vào nó ánh mắt bất cần, kiểu siêu âm lạnh ngắt, rằng: "Ê, nhóc, vờ vĩnh bi kịch thế là đủ lắm rồi!". Lần ấy, nó đã thụi cho anh một cái hết sức, bằng nắm đấm mảnh dẻ trắng trẻo của một đứa con gái biết khéo giấu những vết chai.
Những giọt nước mắt nhỏ xíu
Lặng lẽ chui qua kẽ mắt. Nhoi nhoi đòi ra ngoài
2. Cho đến ngót nghét cả tháng sau, mẹ nó vẫn chưa đi siêu âm đầu. Còn nó, đang mải mê vùi đầu vào một chồng bản thảo dày như trái núi, hí hoáy đánh dấu, bôi trát, ngoằn ngoèo mấy nét bút chì, quyết làm cho xong mấy thứ công việc linh tinh nó nhận về nhà để tự làm khổ mình. Điện thoại di động rung rinh, nhạc chuông líu ríu. "Nhóc con, đi cà phê đi!". Nó ngớ ngẩn nhìn vào màn hình. Chẳng có lý do nào để anh mời nó đi cà phê trong một ngày cuối mùa rất tình nhân như hôm nay. Có lẽ, anh cũng như nó, vừa kịp tậu cho mình một vài vờ vĩnh bi kịch, cần được xả thả giàn lên đầu ai đó.
Nó ngồi lọt thỏm trong quán bar mờ tối ánh đèn, thấy ngột ngạt vì nhiều ánh mắt nhìn, vài lời thì thào cố ý, kiểu, chà, có phải hắn đi cùng với con bé kia không... A ha ha, thằng lãng tử nhà mình cũng đến lúc có xích cổ... Hát hay thế, con gái nào chẳng mê... Nó muốn thụi thêm một quả nữa, lần này bằng cả hai nắm đấm, trong lúc anh mê say hát một bài không nhớ tên trên sân khấu mi ni.
Anh cũng cốc đầu nó. "Ngốc nghếch! Đừng nghiêm trọng hóa cảm xúc của em. Cứ để mọi sự diễn ra như chính nó phải thế! Anh đã qua thời yêu đương vội vàng... Anh đã yêu nhiều đến độ chẳng còn yêu ai nhiều được nữa... Và đừng dùng những từ mạnh kiểu nhẫn tâm, suốt đời, đau lòng, tuyệt vọng... khi em còn chưa thực sự biết chúng như thế nào!". Nó nghe mắt mình ươn ướt, vì tự ái nhiều hơn buồn phiền. Nó giận anh đã mau quên đi tuổi hai mươi của anh, giận anh thẳng thắn và điềm tĩnh đến mức nó thấy mình chẳng ra sao. Nhưng nó không nói gì, anh thì đang mải ngậm một viên kẹo trái cây do cô gái ngồi bàn bên chuyền sang.
3. "Con cũng cần đi siêu âm đầu đi!". Mẹ nó nói vậy, vẻ mặt thất vọng. "Đừng dính dấp vào dân văn nghệ. Mình con lãng đãng cũng đủ lắm rồi! Phụ nữ cần một bến bình an!". Nó chỉ nghe loáng thoáng cái gì bên trong câu trách mắng của mẹ. Nó gục gặc đầu ra chiều tâm đắc, trong khi mẹ hoàn toàn mất cảnh giác, đã quay sang làm chuyện khác. Nó vẫn tiếp tục gục gặc đầu. Ông anh của nó vừa mới tậu được một tập tiểu thuyết dày dày rất oách giá ba mươi nghìn đồng. Rồi ông anh rất ư độc mồm độc miệng ấy nhanh chân vào Hội nhà văn. Người ta gọi anh là nhà văn trẻ. Anh thì hơn nó tới mười ba tuổi. Anh gọi nó là nhà văn trẻ con. Cuộc sống mà, đâu phải lúc nào đi cũng đến, cũng không hoàn toàn có chuyện quay đầu lại là bờ như cách các nhân vật chính diện vẫn hay khuyên can bọn phản diện. Mười hai cái bến nước đã xưa lắm rồi, chật chội lắm rồi, long lở lắm rồi, nên người ta được quyền tìm cho mình thêm một cái bến vô thường mới, trong tập hợp vô số vô thường bến.
Nó vẫn nhớ xin sách của anh vất vả như thế nào. Nó xin mãi, nhờ cả người này người kia nhắc, anh mới hì hụi tìm được thêm một cuốn sách hiếm hoi còn lại để tặng nó. Nó xúc động lịm người. Rồi, ôm khư khư quyển sách trong lòng, nó ngồi há mỏ ra nghe anh nói. Anh nói chuyện nghe thích hơn anh viết văn. "Anh thích thơ như thế nào?". "Anh thích thơ quai quái một chút, phải lạ lẫm, phải nhạy cảm, phải khác biệt. Trời. Mà ngay cả văn cũng thế thôi. Bình bình lặng lặng thì nên chuyển sang làm biên tập!". Nói đến đây anh quay sang anh văn nghệ mà mẹ nó có nhắc đến ở trên, cười khoái chí, vì anh kia là biên tập viên. Ngồi nán lại với nhau đêm cuối năm, trước khi cả hai lên xe đò về quê, một với vợ con, một đi một mình. Cũng thế cả. Anh nói, tay mân mê cái máy ảnh mới mua gần chục triệu đồng: "Em không biết đâu. Ngày trước, mỗi khi tết về, anh chỉ ước được ngồi bên nồi bánh chưng, tay cầm tờ Báo Tiền Phong số xuân. Thế là mãn nguyện lắm rồi. Thời gian, nó cướp đi của người ta đâu chỉ nồi bánh chưng?".
Trong sự im lặng chung của nó và anh văn nghệ, đang mỗi người cố hữu một suy tư riêng, anh vẫn tiếp tục nói, thổn thức như nói với chính mình. Ánh mắt anh vụt rạng ngời khi anh nhắc đến con trai bé nhỏ của anh. "Anh trông con tuyệt lắm nhé. Anh xúc cơm cho nó ăn. Hai cha con cứ đi một vòng, lại dừng xịch, ăn một muỗng gọi là đổ xăng đi con, rồi lại đi một vòng. Đến nửa chén cơm sau, phải đẩy hai vòng xe thằng bé mới chịu đổ xăng!". Nó nhìn anh ngây ngất. Nó ước gì đến lúc nào đó, nó cũng có nét mặt rạng ngời như anh, nói về điều gì đó, hoặc ai đó gắn bó đến mức chẳng thể tách rời.
Cả ba ngồi lại góc quán khi những nhân viên phục vụ lầu bầu khó chịu ra mặt. Đã hơn mười một giờ, quán vắng tanh. Nó hỏi về sự cô đơn, nhận được vẻ bất đồng của anh văn nghệ. Còn anh, anh gật gù: "Đừng sợ cô đơn. Bọn viết văn chúng mình không thể viết nổi nếu cứ hơn hớn như giữa hội chợ mùa xuân. Đôi khi, phải sống cùng nó, nuôi nấng nó như một đứa trẻ". "Thế mày cô đơn nhất là lúc nào?". Anh văn nghệ ngưng hút thuốc lá, thả một vòng khói bay ngang đầu nó, vụt hỏi. "À, tao cô đơn nhất lúc nằm cạnh vợ tao. Dù tao yêu cô ấy vô cùng!". Nó ngơ ngác. Anh văn nghệ vỗ vai bạn mình: "Bậy. Mày mắc chứng hoang tưởng rồi. Mày chỉ cô đơn nhất khi tao nằm cạnh vợ mày!". Đến đây, nó cũng cười theo, nhạt nhẽo: "Về thôi hai anh. Em không muốn mẹ em thêm thành kiến dân văn chương đi sớm về khuya!".
4. Anh có thể ôm siết nó trong vòng tay khi anh say. Ngày hôm sau, gặp lại, anh mắng mỏ nó: "Phải tỉnh táo chứ, chưa biết rõ có phải tình yêu không mà, em cứ căng thẳng nghiêm trọng thế này là anh rút lui đó!". Anh quên mất mỗi khi anh say, anh thương nó như thế nào, anh cũng tự cho phép mình quên những khi say anh làm nó khóc thế nào, lời nói của anh cứ xuyên thẳng vào trái tim non nớt của nó. Vậy mà, anh tỏ vẻ gay gắt đòi hỏi ở nó sự tỉnh táo. Có lần, trong vòng tay anh, nó nhớ tới mẹ, thế là chẳng suy nghĩ gì nhiều, nó nói với anh: "Hãy đi siêu âm đầu đi anh!". Anh buông lỏng tay ra, nhìn nó lạ lẫm. "Em có bị làm sao không?".
Bố nó đi công tác không thể về kịp tết. Đi giữa những vùng biển xa xôi, bố nói, "Chỉ có thuốc lá là trung thành với bố!". Nó tự hỏi, vậy trong cuộc sống rối rắm này, cái gì trung thành nhất với nó? Con mèo nhồi bông màu da cam mà nó vẫn lấy chân đạp túi bụi để chặn góc màn, tập Cuốn theo chiều gió khổ nhỏ nó hay dúi ở đâu đó trên giường, cái đàn organ bị nó trút ngón tay xuống tơi tả mỗi khi nó buồn, hay bàn phím vi tính cũ kỹ nó gõ gõ lốc cốc mỗi ngày? Có lẽ anh nói đúng về sự thiếu thốn tình cảm của nó. Anh nói vậy thôi chứ anh không thông cảm được, vì đơn giản gia đình anh rất đầm ấm, đó là cái nôi. Anh chỉ bị cuộc đời nghiệt ngã trong tình yêu. Một lần. Hai lần. Nhiều lần quá. Anh đâm ra yêu như thể người không cần tình yêu, gọi là yêu không nhiều sau mỗi mùa chay tịnh.
Thi thoảng nó muốn nói thật với bố rằng, "Bố ơi, con buồn muốn khóc!", khi một buổi sớm nào, hay một khuya lắc nào, bố nó gọi về: "Alô. Alô. Nghe rõ trả lời? Cả nhà khỏe chứ? Có gì mới không?". Nó lặng lẽ báo cho bố biết, con thi đậu cái này cái kia, thằng em trai đang đi tập võ, mẹ thì bệnh liên miên, con mèo hàng xóm hay vào cào cấu đệm ghế mỗi tối, một vạt lan ngọc điểm trổ cùng lúc tám chùm hoa thơm lừng, còn nhà hàng xóm thì tiếp tục vặn nhạc ầm ỹ làm mẹ không sao ngủ nghỉ được... Bố ở đầu dây bên kia: "Ừ... thế à... Vậy sao... Thôi nhé... Bố phải ngưng đây... Alô, cô tổng đài viên ơi... Alô, Falcon gọi tổng đài...".
Tút... Tút... Tút... Tút...
Bố gác máy rồi. Mẹ từ phòng tắm đi ra, tay xoa xoa bụng ê ẩm đau sau món thịt luộc chấm mắm tép ăn kèm khế chua và rau thơm: "Bố gọi về à?". Nó gật gật đầu. Cái đầu mỏi quá. Nó cũng muốn đi siêu âm thử xem, biết đâu, trong đó toàn những chì là chì, khiến cổ nó cảm thấy nặng nề.
5. Bọn bạn đại học lục tục đến nhà nó ăn tất niên sau kỳ thi để mạnh ai nấy về quê. Bật nhạc. Khui sâm banh. Nắm tay nhau hát hò. Gõ thìa lên nồi lẩu nghi ngút khói. Cuối buổi, mắt nhắm mắt mở, hỏi xem hết bao nhiêu tiền chúng mình chia nha, lần sau đến ăn nữa mà khách sáo gì? Nó cười. Thôi, coi như là sinh nhật tao! Ý, sinh nhật thì phải có quà, mày làm khó bọn tao rồi! Nó lại cười lần nữa. Thôi thôi thôi về đi kẻo trễ xe. Năm mới gặp lại nói sau. Thế là bọn nó líu ríu chào bác, chào bác, kéo nhau về nhanh hơn lúc đến. Nhạc vẫn mở, chai sâm banh uống dở, mâm bát bừa bãi. Nó thấy trống ghê.
Giàn hoa tỏi nở tím ngát. Nó nhặt một cánh hoa rụng, lấy tay vò nát đưa lên mũi. Nó nhớ tới tuổi thơ mấy chập ốm nặng nhập viện, bà ngoại lần nào cũng vào cùng, trường kỳ ăn cơm với nó, ngủ với nó, kể chuyện nó nghe và thi thoảng giấu mấy bà hộ lý khó tính, cho nó ăn mấy tép tỏi nướng thơm bùi điếc mũi. Mùi hoa giống mùi tỏi, nhưng mà lạnh quá. Nó lại nhớ, trong bệnh viện bà đã kể cho nó nghe những gì, truyện cổ tích Anderxen, truyện Không gia đình, truyện ngụ ngôn... Có lần bà phải về nhà tắm rửa xem xét trong ngoài một loáng, bà bảo bố nó vào trông nó truyền dịch thay bà. Bố nó gật đầu quả quyết mẹ cứ yên tâm. Kết quả, khi bà vào, thấy bố đang gục đầu ngủ ngồi ngon lành, còn nó, ngước mắt nhìn lên chai truyền dịch trống trơn, máu đã rút ngược lên chai, rất dễ sợ. Bà hét lên một tiếng. Kể từ đó, bà chẳng bao giờ chịu rời nó lấy nửa bước. Cháu gái bé bỏng của bà.
Cuộc sống đâu chỉ có mỗi chuyện tình yêu?
Nhưng nó sống bằng tinh thần, mà tinh thần nó lúc nào cũng trống đủ để nhét thêm thật nhiều tình yêu. Hai mươi chín tết này là sinh nhật nó. Sinh nhật tuổi hai mươi. Bạn bè đã về quê hết. Bố ở xa. Mẹ và em trai thì hào hứng vừa phải. Còn mấy anh bạn đã từng cốc đầu nó, vì lý do này hay lý do khác, đã đi xa khỏi thành phố, mà chẳng dặn dò lại gì. Nó nghĩ, tuổi hai mươi chắc phải mạnh mẽ lắm. Mà nó thấy mình bé xíu và ngu ngơ quá. Có thật là mình sắp hai mươi không?
Sau nhiều lần xem lịch và tự cấu vào tay, nó quay sang thằng em trai đang mải mê bấm điện tử bên cạnh, nói như muốn khóc: "Bé con, em cho chị đổi tuổi hai mươi của chị lấy mười tuổi của em. Được không?".
Tình qua tin nhắn
Trung Cường
Tôi nghĩ hắn là đàn ông. Còn hắn đoán tôi là phụ nữ. Mọi chuyện rất đơn giản, kể từ khi tôi quen hắn. Rất ngẫu nhiên bằng một tin nhắn. Dĩ nhiên là từ phía hắn, vì tôi không thích mấy cái trò nhăng nhít này. Ấy thế mà tôi lại quen hắn, đến nay là 3 tháng. Thế mới lạ! Và càng lạ hơn nữa khi tôi với hắn không hề biết mặt nhau.
Hắn giới thiệu hắn là nhà báo nửa mùa (đơn giản là viết để kiếm sống, nhưng không được danh chính ngôn thuận cho lắm, vì không có tòa soạn nào nhận hắn). Hắn mới ra trường, làm việc được sáu tháng, gặp ông sếp ngụy quân tử, thế là hắn bỏ việc và trở thành “ký giả tự do”, như tin hắn nhắn. Ừ! Tôi cũng gặp nhiều loại người như hắn. “Thế lấy gì sống?”- tôi hỏi - “Sự cưu mang của bè bạn”. “Đời cũng hay nhỉ?”. Hỏi cũng để mà hỏi, tôi cũng chẳng quan tâm lắm. Đời vốn phức tạp, cái gì đơn giản được cứ để cho nó đơn giản. Tôi quan niệm thế.
Tôi không cần biết hắn là ai (có lẽ hắn cũng vậy). Khi buồn, ngày hay đêm, tin nhắn của tôi đều được reply. Khi vui, hắn là người duy nhất nhận tin nhắn của tôi. Những lúc cô đơn, hắn nhắn hắn có thể giúp được tôi. Quả thật, có lần tôi khóc, dường như hắn biết được (tôi đoán thế), nhắn lại rằng: “Phụ nữ khóc ra nước mắt. Đàn ông nhỏ nước mắt gọi là khóc”. Nghe cũng triết lý nhưng khó lọt tai. “Có gì khác đâu?”. “Sao không? Nhìn đời qua khe mắt hẹp như you thì làm sao thấy được độ chênh của nó”. “Thế đã bao giờ “nhỏ nước mắt” chưa người đàn ông?”. Sự im lặng hồi lâu của phương tiện liên lạc hiện đại. “Tôi chỉ trả những gì đã từng được nhận”. “Thế trả hết chưa?”. “Có người không bao giờ muốn trả, có người muốn trả lại không được. Đời mà!”. Hắn kết thúc câu chuyện. Tôi biết thế.
Một sáng nhận tin nhắn của hắn, có nội dung: Sếp cũ gọi hắn làm việc lại, ký hợp đồng dài hạn và nhiều hứa hẹn. Hắn đếch cần, lấy lại hồ sơ, nguẩy cái mông quần bạc phếch vào cặp kiếng cận đang nhướng lên như mắt ếch của sếp, rồi biến. Thề không bao giờ quay lại nhìn cái thói đạo đức giả của những thằng luôn tỏ ra mình có hành động giống quân tử. Dòng cuối hắn nhắn: “Tưởng tượng thôi. Ngày Cá tháng tư mà!”. Bật cười. Nhưng đâu rồi lại đấy, như bao mẩu tin vặt vãnh tôi đọc hằng ngày. Nhàm chán. Đơn điệu. Không lưu nổi vào bộ nhớ của tôi.
Ngày vẫn lại là ngày. Hắn nhắn (dường như hắn buồn), hắn đã từng yêu, người ấy đã lấy chồng. “Sao vậy?”. “Không biết. Cô ấy bỏ tôi. Không. Đúng hơn tôi chia tay cô ấy”. Chuyện thường thôi. Tôi gặp đã nhiều ở ngoài đời, trong tiểu thuyết và có thể là chính tôi. “Bận tâm làm quái gì” - tôi reply lại. Hắn không trả lời. Dường như hắn giận. Mặc kệ. Đời này lắm đứa dở hơi. Nghĩ vậy nhưng thấy chạnh lòng.
Kỳ lạ. Hắn không bao giờ có ý định gặp tôi. Và tôi cũng không có ý nghĩ ấy. Lỡ ra... Rách việc. Có lần hắn giả sử: “Nếu mình gặp nhau thì sao nhỉ?”. “Chẳng sao cả. Tôi chẳng muốn gặp anh”. Hắn nhắn: Hi... Hi.
Trong những lúc buồn bực, stress, tôi vẫn thường xem hắn như một bao cát. Thình thịch nện vào đó bao bực dọc về công việc, bè bạn, tình cảm... Và tất cả những gì tôi nghĩ hắn có thể hứng chịu, như hắn đã và đang chịu sự bầm dập của thói đời. Hắn vẫn với giọng ôn hòa (có thể đang cố gắng) điềm đạm phản bác lại tôi. Quẩn quanh như đi vào ngõ cụt, tôi buông tay, mệt mỏi vớt vát: “Để rồi xem”. Có lẽ vì câu nói ấy làm cầu nối giữa tôi và hắn, cho đến bây giờ.
Hắn lại nhắn vào một sáng thứ bảy, khi tôi đang thinh lặng bên ly cà phê không đường như bao ngày cuối tuần: “Có bao giờ you nghĩ sẽ yêu một người nào đó theo đúng nghĩa đàn ông chưa?”. “Không cần biết. Cái gì đi rồi sẽ đến. Và ngược lại”. “Thế là you đã từng yêu”. “Ai mà chẳng từng yêu. Ai chẳng từng đổ vỡ. Hạnh phúc nào cũng bềnh bồng, diệu vợi”. Tôi nghĩ thế. Hắn cười (tôi luôn tin vào những phán đoán của mình): “You có ý nghĩ lạ, không giống ai”. “Tôi sợ giống một ai đó, phiền phức lắm, sống phải cho ra mình”. Hắn nhắn hắn có nhiều việc đáng lo nghĩ. Có thể. “Nhưng nghĩ lắm mệt người” - tôi luôn đơn giản mọi vấn đề, không riêng với trường hợp của hắn. Tôi có một căn nhà để ở, một công việc để làm, không bận bịu với toan tính yêu đương. Thế thì cần gì phải nghĩ. “Biết đâu”- hắn luôn kết thúc mọi tranh cãi như thế. Biết đâu. Tôi mỉm cười lặp lại câu nói của hắn. Nghe cũng triết lý chứ nhỉ?
Ngày lại ngày. Công việc vẫn cứ là công việc. Không có sự đổi thay. Tôi với hắn vẫn nhắn tin, và theo tôi, ai cũng hiểu rằng không nên phí thời gian để gọi điện làm phiền nhau. Thế đấy. Một quy luật bất thành văn. Nó ngớ ngẩn mà vẫn tuân thủ đúng quy trình của nó. Tôi nghĩ thế. Còn hắn? Thỉnh thoảng tôi vẫn nghĩ tới, nhưng rồi cũng bật cười vì mình cũng dở hơi như hắn. Đã quy luật thì bất biến. Có quy luật nào bị phá vỡ không nhỉ? Biết đâu. Tôi mượn lời của hắn kết thúc ý nghĩ ngớ ngẩn của mình.
Có lần tôi nhắn với giọng buồn bực, khi đứa bạn thân vừa rầu rầu với câu chuyện buồn tôi kể, thoáng chốc đã cười nói như chẳng có việc gì. Tôi ngẫm tưởng, người ta vừa trút khỏi khuôn mặt cái mặt nạ đồng cảm. Và biết đâu sau cái mặt nạ đồng cảm đó...? Tôi dằn dỗi kết luận: “Mỗi người đều có những mặt nạ khác nhau. Tôi và anh cũng vậy”. Hắn không phủ nhận: “Chính đời sống làm nên những mặt nạ ấy. Con người chỉ mượn mặt nạ đa sắc thái để duy trì sự tồn tại dễ thở hơn một chút”. “Tất cả đều giả dối”- đó là chủ kiến của tôi. “Không hẳn vậy! Tính tiêu cực hay tích cực tùy thuộc nhiều góc nhìn: người đeo mặt nạ, người nhận mặt nạ, hoàn cảnh đeo-nhận...”. Tôi không trả lời. Hắn lại nhắn: “ Sống ở đời cần loại suy nhiều. Đừng áp đặt những ý kiến, nghĩ suy của mình lên người khác. Khổ cho người, đau cho mình”.
* * *
Bẵng thời gian, tôi không nhận được tin nhắn của hắn-như một người ghiền cà phê thiếu đi dư vị đăng đắng hằng ngày. Người với người rồi cũng có lúc như dấu chấm than vô nghĩa. Tôi nghĩ thế. Đời sống vốn bắt đầu từ sự ngẫu nhiên. Ngẫu nhiên đến. Ngẫu nhiên đi. Thế thôi. Nghĩ là vậy nhưng có một khoảng trống nào đó dìu dịu trong tôi. Rất nhẹ... Rất nhẹ...
Một sáng như buổi sáng nhận được tin nhắn đầu tiên của hắn, chiếc điện thoại báo hiệu có kẻ quấy rối giấc ngủ cuối tuần. Bực dọc. Cầm điện thoại mở hộp thư đến: “Một ngày mới bắt đầu từ cái giường của mình. Chúc cuối tuần zui zẻ”. Bật cười. Vội reply. Vẫn vậy, tin nhắn của hắn vẫn sặc mùi triết lý, nhưng có vị ngô nghê. Tôi vẫn gọi đó là thứ triết lý rởm đời, triết lý của những kẻ nhìn đời bằng cách ngược xuôi giữa dòng đời hối hả, bên cạnh những bon chen, chụp giựt danh vọng, tiền tài, địa vị... mà vẫn giữ cái nhìn rất rởm. Rởm đến cho người đời chột dạ dừng lại nhìn. Nhìn người. Nhìn mình. Rồi cúi đầu bước.
Cứ thế, tôi với hắn vẫn duy trì cái quy luật như đã từng thiết lập nhưng không từng có ý định phá vỡ. Cho đến...
Một sáng như thường ngày, tin nhắn lại đến với tín hiệu thông thường: “Hôm nay 49 ngày anh Hai mất. Chị đến nhé. Có lẽ anh mong chị lắm!”.
Ngẫu nhiên. Nhưng không đơn giản.
Chưa một lần tôi nghe giọng nói của anh.
Không hiểu sao tôi òa khóc!
Anh chàng cả nể
Vương Tâm
Thế là suốt một tuần sau, cả nhà máy đồn rầm rĩ lên cái chuyện tay Bản đã dùng tới 1.200 bao cao su trong một năm. Này nhé, năm chứ kỹ của anh ta vào năm cột, một cột là 2 hộp. Vị chi là 10 hộp. Mà ai cũng biết mỗi hộp to lại có mười hộp con. Còn mỗi hộp con có 12 bao cao su. Tính ra chả 1.200 bao cao su là gì. Nhẩm đếm rồi họ cười như nắc nẻ.
Có người nói về Bản rằng, nếu anh ta là con gái thì mỗi tháng thể nào cũng bị chửa hoang một lần. Bản hay tỏ ra e thẹn, ngượng ngùng với những người mới quen, cứ như một thiếu nữ vậy. Ngay cả với ai đã quen lâu thì vẫn rụt rè khi ăn nói và Bản chỉ sợ mất lòng người ta. Nhất là ai nhờ cậy gì cũng “ừ” và thực hiện ngay chẳng ngại ngần gì. Nhiều việc chưa đâu vào đâu mà Bản cũng nhận lời. Ấy là tính cả nể khó thay đổi của anh ta.
Có lần Bản đang làm việc ở phòng máy của mình thì cô y sĩ ở phòng y tế của nhà máy hớt hải chạy vào. Chưa kịp chào nhau, cô y sĩ đã xòe ra một cuốn sổ trước mặt Bản rồi hổn hển nói:
- Em ơi! Giúp chị với. Ngày mai chị phải báo cáo kết toán những khoản thuốc cho anh em trong nhà máy.
Bản cười rồi nhỏ nhẹ nói:
- Thế em giúp được gì cho chị nào?
- Đây! Quý hóa quá em trai ơi. Em ký vào mấy chỗ trống này. Coi như em đã nhận thuốc trong những lần đi khám trước đây.
Bản ngơ ngác:
- Em đi khám hôm nào nhỉ?
- Thì đấy! Giúp chị mà. Cứ ký vào đây cho đủ mục.
Lúc này Bản vẫn còn nghi ngại:
- Thế em ký vào mục kê thuốc bệnh gì ạ?
Cô y sĩ càng giục cuống lên:
- Bệnh tật gì đâu. Không chết người đâu mà sợ. Cứ ký đi!
Bản gặng hỏi thêm:
- Nhưng mà em cũng phải biết để khi có ai hỏi còn nói cho đúng chứ. Thuốc gì mà những mấy chục hộp hả chị?
Cô y sĩ trợn mắt nói:
- Bao ô kê!
Bản đỏ dừ mặt nói:
- Dưng mà em đã có vợ đâu mà nhận nó.
Cô y sĩ nói to:
- Thực hiện sinh đẻ có kế hoạch là nghĩa vụ của mọi công dân.
Rồi cô ta nói như ra lệnh:
- Ký đi!
Bản giật mình và ngẫm rằng ký nhận cái món này cũng chẳng chết ai và vội vàng ký vào năm cột trống cho xong chuyện. Cô y sĩ hể hả cười khoái trá.
- Thế là xong. Cảm ơn nhé! Bai bai…
Thế là suốt một tuần sau, cả nhà máy đồn rầm rĩ lên cái chuyện tay Bản đã dùng tới 1.200 bao cao su trong một năm. Này nhé, năm chữ ký của anh ta vào năm cột, một cột là 2 hộp. Vị chi là 10 hộp. Mà ai cũng biết mỗi hộp to lại có mười hộp con. Còn mỗi hộp con có 12 bao cao su. Tính ra chả 1.200 bao cao su là gì. Nhẩm đếm rồi họ cười như nắc nẻ. Riêng đám đàn bà con gái mỗi lần gặp Bản là lại đỏ mặt và rúc rích cười rồi đấm lưng nhau thùm thụp. Bản thì cứ ngơ ngác chẳng hiểu chuyện gì xảy ra. Đến khi ban thanh tra mời Bản lên nói rõ mọi chuyện thì anh mới hay rằng mình đã ký nhận một cách tùy tiện vậy. Anh ta cứ ấp úng, đỏ mặt và chỉ biết gãi đầu rồi cười trừ.
Ấy vậy mà chữ ký của Bản đã cứu cô y sĩ một bàn thua trông thấy. Nhiều thì nhiều vẫn là một chữ ký có người nhận. Mặc dù có người mách là cô ta đã tuồn ra cửa hàng của người nhà mình. Không những bao cao su mà còn đủ các loại thuốc khác. Hơn nữa, giá bao cao su cũng chẳng là mấy nên mọi người cũng cho qua. Nhưng cái chuyện anh chàng Bản, chưa có vợ, mà dùng tới 1.200 bao cao su trong một năm thì khiếp thật. Còn anh chàng Bản thỉnh thoảng nghĩ tới chuyện những bao cao su thì cũng phì cười rồi lấy tay che miệng lại. Thật rõ là ngượng.
Thế rồi, mới đây lại còn chuyện cả nể khác nữa mà Bản bị lâm vào cảnh éo le mà không biết. Ấy là chuyện anh ta nhận lời đóng vai làm chồng cho một cô gái chửa hoang. Cô ta bị người yêu lừa có con rồi bỏ trốn biệt tăm. Hôm ấy, một người em họ đến nhà Bản nhờ cậy. Chị ta tâm sự:
- Hoa là bạn em. Nó cả nể mà to bụng. Nó lại hẹn bố mẹ ở nhà quê là sẽ đưa người chồng sắp cưới về trình mặt. Ai dè thằng khốn nạn bỏ chạy. Biết làm sao bây giờ. Hay là anh giúp Hoa cho nó đỡ nhục nhã với bà con làng xóm.
Bản nghe chưa hiểu hết mọi chuyện nên hỏi:
- Tôi giúp được gì cô ta?
- Đóng vai làm chồng và cùng Hoa về trình mặt bố mẹ và bà con ở quê. Chỉ thế thôi.
Bản giật mình:
- Chết! Lừa mọi người sao được.
- Thì cũng như làm phúc cho người thôi mà. Sau một ngày trở lại thành phố, mỗi người lại một ngả. Ai biết đâu.
Bản đắn đo một lúc rồi nói:
- Để tôi còn suy nghĩ cái đã. Không nhờ người khác được sao. Những người thành thạo hơn, tôi đâu có gia đình mà biết mọi chuyện.
Cô em họ cướp lời:
- Thế mới hay. Anh lại là người tốt bụng bọn em mới nhờ đến. Làm phúc cho người mà anh. Mấy hôm nay cái Hoa lo lắm đến phát ốm và có lúc còn đòi uống thuốc ngủ để tự tử nữa. Tội quá anh ạ.
Nghe đến thế Bản thấy thương cô gái ấy và vội vàng nói:
- Ừ thôi thế thì cô dẫn Hoa đến đây xem tôi có thể giúp được gì nào. Và chỉ một ngày thôi đấy nhé. Mà cũng không biết nên nói năng thế nào đây cơ chứ…
Cô em họ vui quá ôm chầm lấy Bản cảm ơn, làm anh cứ nóng rực cả hai tai…
***
Mọi chuyện trôi chảy, đúng như hợp đồng đã giao ước. Sau ngày đó, mỗi người một nơi, Bản cảm thấy vui vui vì đã giúp được cô gái đỡ bẽ mặt với làng xóm. Nhưng không hiểu sao bỗng dưng có tin đồn râm ran rằng Bản đã ngầm cưới vợ mà không cho ai hay. Một người trách Bản, hai người trách… rồi tới hàng chục người thân quen và yêu mến Bản đều dồn dập hỏi về chuyện vợ con. Bản thanh minh thế nào cũng không thuyết phục được bạn bè, bởi có người còn nhìn thấy ảnh hẳn hoi, rằng đúng là mặt của Bản chứ không thể lẫn với ai khác ở cặp kính cận tròn xoe.
Thì ra, đúng cái hôm Bản về gia đình nhà Hoa, cô em họ lại đi cùng với người bạn trai. Anh ta có máy ảnh và chụp lia lịa cảnh đồng quê làng xóm, kể cả cảnh bà con họ hàng ra đón “đôi vợ chồng trẻ” mà Bản chỉ là một chú rể hờ. Hơn nữa, cô em họ lại không hề dặn dò kỹ lưỡng người bạn trai. Thế là bộ ảnh rất đẹp gồm đến chục kiểu đã được Hoa gửi về để cho gia đình làm kỷ niệm.
Và cũng chẳng hiểu tại sao có người ở nhà máy đã được xem ảnh và kháo ầm lên. Thế mới chết. Tuy vậy, mọi người chỉ bán tin bán nghi và cũng chả hiểu chuyện như thế nào nữa. Bản gặp ai cũng phải nói rằng mình chưa lấy vợ. Nhưng mọi chuyện trở nên oái oăm ở chỗ, Yến - người bạn gái thân thiết của Bản suốt ngày âm ỉ thầm khóc. Nghe cô em họ của Bản trần tình mãi, thề sống thề chết mà Yến vẫn còn ấm ức. Bản đành kể rành rẽ mọi chuyện mà cô em họ nhờ đóng vai chú rể để an ủi cô bạn kia. Nghe ra mọi điều, Yến đã thấy nguôi cơn giận, nhưng vẫn bực mình lắm vì chính cái hôm ấy cô cũng dự định bố trí kế hoạch đưa Bản về quê, để ra mắt bố mẹ, anh chị em. Cũng may mà Yến chưa nhắn tin chính thức về gia đình. Nghe chừng thấy cơn hờn ghen của bạn gái chưa nguôi, Bản ngon ngọt:
- Thế bây giờ em phạt thế nào anh cũng chấp nhận. Nhưng giận mãi thế này thì anh không thể chịu nổi.
Yến vội nhoẻn cười rồi nói:
- Đấy là anh nói đấy nhé! Chịu phạt không?
- Ừ em tuyên bố đi.
Yến tinh nghịch nói vui:
- Tuần này về quê. Tới cổng làng là anh phải cõng em về tới tận nhà để gặp bố mẹ nhé.
Bản đỏ dừ hai má, ấp úng không biết trả lời thế nào. Nhưng xem chừng, cô ta kiên quyết lắm đấy, trong lòng Bản cũng có vẻ chấp nhận. Nếu phải cõng Yến thật thì sợ gì cơ chứ. Mình cõng vợ tương lai của mình có gì đáng xấu hổ nào. Đúng là cái triết lý của anh chàng cả nể. Không hiểu có phải đúng như thế không mà Bản gật đầu đồng ý liền. Suốt cả tuần, Yến cứ phì cười mỗi khi tưởng tượng ra anh chàng cận lòi mắt kia phải cõng mình suốt đường làng. Nói đùa thế mà anh ta cũng tưởng thật. Đúng là anh chàng cả nể. May mà không phải con gái
Tôi và gã
Y Ban
Tôi có một quán nước nhỏ ở đầu một con ngõ nhỏ. Gã hay lang thang ra uống nước. Tiện thể tôi làm chân ghi đề.
Chiều nào gã cũng ra mua ít nhất một con đề. Tôi, kẻ bất đắc chí về hưu non, tóc vẫn xanh rờn. Gã có bộ mặt khó đoán tuổi, vừa già vừa non, tóc gã dựng đứng vàng hoe. Có lẽ do cái mớ tóc này nên càng khó đoán tuổi gã. Thực ra cái món tóc vàng hoe giữa lũ đầu đen chẳng có gì là khó lý giải. Thuốc nhuộm đủ loại tây tàu nhập về tràn ngập. ấy là lũ choai choai. Loại như gã cũng chẳng hiếm, chán nhuộm đen thì nhuộm hoe. Nhưng đã là nhuộm thì thể nào cũng có lúc thò ra cái chân trắng. Vậy mà tôi để ý rình mãi chưa lần nào bắt gặp cái chân tóc trắng trên đầu gã. Có lần tôi định bụng sẽ hỏi, rồi lại thôi. Cái loại ngày lang thang, chiều ghi con đề để sống tôi cũng ngại bắt chuyện. Thôi, cứ là xin giời hai chữ bình an.
Giời đánh ùm vào số phận tôi. Không bắt tôi chết, không cho tôi giàu sang. Giời bắt tôi làm văn chương. Tôi mê muội vào con chữ. Tôi hâm mộ những kẻ được gọi là nhà văn.
Tôi phát hiện ra gã là một nhà văn nổi tiếng. Gã viết văn từ hồi tôi còn ở truồng.
Thế là cái mạch ngầm đã thay đổi trên bề mặt cuộc sống vẫn vậy.
Tôi có một quán nước ở đầu một con ngõ. Gã hay lang thang ra uống nước. Gã thích nước chè tươi hơn chè mạn. Gã thích thuốc lào hơn thuốc lá. Gã ngửa cổ rít một hơi dài. Mắt gã lim rim miệng tròn vo nhả khói. Phê xong điếu thuốc lào gã mới trầm ngâm:
- Hôm nay thấy người ta mang rưọu quê đi bán rong. Nhớ quê quá.
- Thế bác ở vùng nào? Tôi bắt chuyện.
- Ở N.
- Tôi cũng ở N..
- Thế anh ở huyện nào?
- Tôi ở H..
- À, thế thì đi qua con phà là đến nhà tôi. Cậu có biết con phà đó có tên là gì không?
- Là Lạc quần.
- Đúng cậu người quê ta rồi. Quê cậu ngày xưa thế nào? Quê tôi ngày xưa nghèo lắm. Mẹ tôi kể lại rằng, quê tôi nghèo đến mức không có nổi một cái đình làng. Làng mà không có đình như kiểu nhà không có mái. Năm đấy các cụ già ở làng tôi quyết định phải có một cái đình bằng mọi giá. Cho người đi dò la một thôi thì biết làng bên đang xây một cái đình mới. Nó lại dựng kèo cột, cất mái trước rồi mới xây tường bao. Mà cái đình đang dựng chỉ cách làng tôi có một con sông. Các cụ già làng tôi mới họp dân làng, huy động toàn bộ trai tráng nửa đêm bơi sang sông tháo dỡ đình làng nó về bên làng mình. Cột, kèo lấy được về đến đâu là dựng luôn đến đó. Đến sáng thì đình làng tôi cũng cất nóc. Có nóc, có cột rồi mà không có gạch để xây. Dân làng ki cóp đóng gạch xây đình, phải mất một năm sau mới xong. Thôi tớ về đây.
- Ấy, bác ngồi xơi chén nước nữa đã. Bác kể chuyện đang vào. Tôi kém bác có lẽ phải gần 20 tuổi nên không biết chuyện các cụ ngày xưa. Khi tôi sinh ra thì làng tôi đã có cái đình to lắm, lại còn có cả nhà thờ và nhà chùa nữa.
- À, thì làng tớ cũng vậy. Này tớ bảo, cái đất N., quê tớ với cậu ấy mà, sinh ra lắm người tài lắm. Vậy mà sao cậu lại ngồi bán nước ở chỗ này nhỉ. Thôi tớ về đây.
Tôi gãi đầu ấp úng định khoe, tôi cũng sắp thành người tài rồi. Tôi cũng sẽ thành nhà văn như bác. Các nhà văn thường có cái gì đó giông giống nhau.
- Này, ghi con đề.
- À, chào bác. Hôm nay bác “chết” con nào? Tôi đon đả.
- Theo cậu thì con nào?
- Tôi tính suốt từ sáng đến giờ, dễ con 53 lắm.
- Cậu có quyển sổ mơ không?
- Đêm qua bác mơ thấy gì?
- Tớ mơ thấy mẹ tớ.
- Mơ thấy mẹ à. Để tôi xem.
Tôi rút quyển sổ nhỏ nhầu nát ở trong ngăn kéo bàn nước ra. Tôi lật đến trang mơ. Mơ thấy người chết, mơ ăn chuối, mơ ăn bánh… mơ thấy mẹ, đây rồi 03,30. Đúng rồi, ăn chặt đánh bóng lên là 53, 35. Dứt khoát con 53 hôm nay phải thòi ra.
- Thế ra cậu cũng mê đề đóm à?
- Thì bác bảo đã ghi đề bố thằng nào không đánh đề, có, chỉ là thằng ra dại. Bác nghe tôi đi, hôm nay đánh 4 con: 03,30.53,35. Đánh đậm con 53. Nào bác chết con gì nữa không?
- Vậy thì cứ thế mà ghi, mỗi con một nghìn, con 53, ba nghìn. Thế là chẵn 5000 nhé.
- Xong, bác cầm lấy tích kê. Còn sớm chán bác ngồi uống chén nước nữa đã.
- Ừ thì ngồi buôn thêm lúc nữa. Cha mẹ cậu còn sống không?
- Cha tôi mất rồi, còn có mẹ thôi, vẫn sống ở quê. Tôi bảo lên đây sống với tôi dứt khoát không chịu.
- Lên đây sống thế chó nào được. Trông cậu nhếch nhác bán quán nước thế này, có mà nhìn đã uất.
- Bác nói phải.
- Là tớ suy từ tớ ra. Tớ là cái giống lạc loài của nhà tớ. Anh em tớ thành đạt hết, còn mỗi một cái giống tớ. Đến lúc chết mẹ tớ vẫn hận tớ.
- Sao cụ giận lâu thế hả bác.
- Có gì đâu. Các cụ ta xưa có câu: Đẻ đứa con khôn mát L. rười rượi. Ông anh cả nhà tớ thành đạt nhất. Thành đạt cả cái việc lấy vợ. Vợ anh ấy là cháu của một ông to. Cả họ, cả hàng, cả hang, cả tổng nhà tớ đều bái phục. Thế mà tớ lại chả bái phục gì cả. Tớ lại còn dám nói thẳng vào mặt ông ấy rằng: Đó là sự nhục nhã của anh. Mẹ tớ hỏi: Vinh thế chứ sao nhục? Tớ bảo: Vinh chỗ nào?Con đố mẹ dám bảo anh ấy vào với dân mà vỗ ngực là cháu rể ông kia đấy. Dân nó chẳng trát phân vào mặt. Mẹ tớ bảo: Vì sao? Tớ bảo: Đặc điểm của dân ta là, không dám chửi vào mặt quan kia thì người ta sẽ chửi vào mặt người họ xa. Mẹ tớ bảo: Thế thì chấp làm gì. Tớ bảo: Sống ở đây thì phải chấp. Từ cổ chí kim đất này là vậy. Mẹ tớ bảo: Từ cổ chí kim, đất này dân đều ghét quan thế thôi. Chứ lòng dạ của ông quan to ấy tốt lắm. Tớ bảo: Nhưng mà người dân chỉ nhìn vào hành vi của người ấy với dân với nước thôi, chứ sao biết được lòng dạ thật của người ta. Mẹ tớ bảo: Thế hành vi của người ấy với dân với nước thế nào? Tớ bảo: Con người trần mắt thịt nên không thể trả lời hết nhẽ được câu hỏi của mẹ. Con chỉ biết một câu chuyện thế này. Người ấy đến thăm một bà mẹ già cô đơn. Người ấy hỏi bà mẹ già: Cụ sinh được mấy người con? Tôi sinh được ba người con. Tốt, người ấy nói, vậy các con của cụ bây giờ làm gì? Chồng tôi và người con lớn đã hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Rất tốt, người ấy nói, còn hai người con nữa của cụ đâu? Hai người con nữa của tôi đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ rồi. Quá tốt, người ấy nói. Nghe người ấy nói thế bà mẹ già ngừng khóc, mở to đôi mắt đục nhìn đăm đắm vào mặt người đó. Rồi bà mẹ già bỗng bật cười khanh khách: quá tốt, quá tốt… Người có trách nhiệm đã kể lại rằng (Vì bà mẹ già đó chính là bà mẹ Việt Nam anh hùng nên phải có người có trách nhiệm quan tâm), từ đó đến hết cuộc đời bà chỉ nói đúng hai từ: quá tốt, quá tốt.
Khi tớ kể xong câu chuyện, bà mẹ tớ bỗng nổi cơn điên. Bà xông vào tớ cào cấu, xỉ vả: Tao hận mày, tao hận mày, cái giống lạc



Giữa dòng xoay cuộc đời như thác lũ
Mới biết mình đã mất tuổi thần tiên
Có thể năm, mười năm về thăm trường gặp lại chẳng nhớ hết tên
Ly chè ngọt ngày xưa giờ có thêm vị đắng
Nước biển mặn ngàn năm vẫn mặn
Kỷ niệm in sâu chôn hết sao đành?
Go to the top of the page
 
+Quote Post

Reply to this topicStart new topic
> 1 Người đang đọc chủ đề này (1 Khách và 0 Người Ẩn Danh)
0 Thành Viên:

 

.::Phiên bản rút gọn::. Thời gian bây giờ là: 5th May 2024 - 05:54 AMSpring Style