Chào mừng Khách ( Đăng nhập | Đăng kí )

IPB
 
Reply to this topicStart new topic
> Ẩm thực Huế, Dành cho các bạn quan tâm món ăn Huế
nhibo
post May 25 2005, 02:41 AM
Bài viết #1

Trung tá
*****

Nhóm: Thường dân
Bài Viết: 262
Gia Nhập: 3-April 05
Đến Từ: Sct. Joergensvej 23, 4000 Roskilde, Denmark
Thành Viên Thứ: 71



Ăn ba miếng: ăn lót lòng, ăn nhẹ (ăn ba miếng cho khỏi đói rồi ra đồng đạp nước).

Ăn bựa khuya (ăn bựa lợ túi): ăn "buổi lỡ" ban đêm. Ở nhà quê về mùa hạ có sáng trăng thường có đạp lúa ban đêm nên chủ nhà dọn đãi các công nhân làm việc "ăn bữa khuya" tức "ăn bữa lợ bữa túi" trong lúc giải lao để "thưởng công" với dụng ý tăng năng suất. Bựa lợ bữa túi thường là cháo gà, hoặc chè môn chè khoai.

Ăn cháo lú: người Huế tin rằng khi từ giã cõi đời, người chết được cho ăn "chén cháo lú" lúc về thấu thượng giới để quên tất cả, không còn nhớ gì đến đời sống trần gian. Nói rộng ra, nếu người nào bị "mê mệt và mê muội" bởi người khác thì người Huế nói rằng người đó đã bị "ăn cháo lú" (Bộ hắn cho mi ăn cháo lú hay răng mà mi quên cả cha cả mẹ để đi theo hắn?).

Bánh gói: bánh bằng bột gạo, gói bằng lá đon, bánh lớn và dài, ăn với thịt phay chấm với nước mắm mặn, đặc biệt của làng Hương Cần.

Bánh hột sen: bánh bằng bột đậu xanh, ngọt, vo tròn như hòn bi và gói trong giấy màu ngũ sắc, hai đầu cuốn lại, có tua, có màu trông đẹp mắt. Thường làm trong ngày Tết hoặc kỵ giỗ.

Bánh in (bánh khuôn): bánh làm bằng bột nếp, bột đậu xanh hoặc bình tinh, trong nhân có mè, phải dùng khuôn để "in" tức để đè xuống cho chặt, có hình vuông hoặc hình chữ nhật, một mặt hình nổi, gói trong giấy màu ngũ sắc, thường được làm trong ngày Tết hoặc ngày kỵ giỗ lớn của gia đình.

Bánh ít: loại bánh dẻo thường có nhụy tôm thịt. Có thứ bánh ít đen ngọt, gọi là "bánh ít lá gai" màu đen có nhụy đậu xanh ở giữa (Thùng bánh nhiều sao em kêu thùng bánh ít, quả trầu đầy sao em bảo quả trầu không- Hò Huế).

Bánh ít kẹp bánh ram: bánh dẻo ngọt màu đen gói lá gai (Bánh là gai nhụy đậu, ăn vô dẻo dẻo, thơm phức mùi lá gai đặc biệt Huế. Bánh ngọt màu đen đặc biệt Huế. Bánh ngọt, mềm dẻo màu đen do lá gai, có nhụy đậu xanh, thường ở ngoài gói là chuối. Theo Lê Văn Lân, lá gai là thứ lá để nhuộm bánh ra màu lục đen, ăn mát, lợi tiểu, tên khoa học là Boehmeria nivea Gand còn gọi là Trữ ma, mọc ở Trung Quốc, các xứ Đông dương, cho sợi để dệt. Lá gai chứa Chlorogenic acid và Rhoifolin (Bút khảo về xuân).

Bánh nậm: bánh lá gói mỏng nhụy tôm thịt, đặc biệt Huế thường ăn với chả tôm. Làm bánh nậm cũng giống bánh lá, một chén bột gạo, hai chén nước hẩm hẩm, song khuấy bột bánh nậm cho đặc hơn bánh lá một chút. Bớt nguội lấy lá chuối xé miếng bề ngang độ gang tay, rửa sạch lau khô, trải bột ra lá chuối, bỏ nhụy tôm thịt vằm ở giữa gói lại để vào xửng hấp, thổi lửa độ 25 phút chín. Bánh này gói dày hơn bánh lá nên phải hấp lâu hơn bánh lá một tí. Nhụy tôm thịt vằm: tôm lột vỏ, thịt ba chỉ xắt nhỏ, hai thứ vằm chung nhỏ rồi xào tiêu hành nước mỡ cho thấm (Theo Hoàng Thị Kim Cúc).

Bánh nổ: bánh ngọt bằng bột linh hoặc bột đậu hoặc bột nếp trộn với đường, in trong khuôn thành bánh hình vuông, hình chữ nhật, gói trong giấy màu rực rỡ ngày Tết.

Bánh quai vạc: bánh bột lọc hình trăng lưỡi liềm. Nấu chín bằng cách thả bánh vào nồi.

Cơm Âm phủ: là quán ăn khuya ở vùng Đất mới, gần sân Vận Động, thường là để các quan lấy lại sức sau một chầu tổ tôm hoặc hát sướng ở dưới đò (hoặc cho các khách thưởng hoa mệt mỏi ở xóm làng chơi Đất Mới đi ra). Các cụ thường chơi trên đò, đến đêm tối ghé vào Tòa Khâm và đi ăn cơm Âm Phủ. Các cụ thường ăn rất khuya và ăn trong ánh sáng lù mù, có thể để cho ít người nhận ra. Cơm truyền thống Âm Phủ gồm có cơm gạo de An Cựu là thứ gạo rất thơm, thứ gạo vua thường dùng, ngày nay đã mất giống (hoặc gạo thơm), ăn với cá kho, canh dưa cải chua, thịt ba chỉ ăn với dưa giá, nấu theo lối "ngự thiện" (nấu cho vua ăn) nên tuy đơn sơ mà ngon. Sau này mới thêm món nem nướng, cháo giò heo (thứ heo gạo nhỏ nuôi bằng cám nấu trộn với chuối xắt), các thứ lẩu với cá tươi từ các đầm phá và thịt gà bóp với thứ gà thả, gà nhà quê thịt chắc, thơm và ngọt. Thứ cơm Âm Phủ ngày nay với nhiều thứ xắt nhỏ để sẵn trên một chiếc dĩa lớn, đã là thứ cơm Âm Phủ đã được thương mãi hoá. Cơm Âm Phủ gồm nhiều vị khác nhau như thịt heo xắt lát, tôm lột, trứng xắt lát mỏng, tôm chấy, rau sống xắt nhỏ, sửa soạn công phu, khi ăn trộn lẫn với nhau (Cơm chi mà tối mò mò. Ma kêu quỷ khóc mịt mờ âm ty. Nghe đồn cũng thử đi mò. Té ra cũng chắc khác chi dương trần- Câu đố Ông Cai Trường trong Đặc san Quốc Học Đồng Khánh Nam California 1998. Trả lời của Bảo Thắng: Quán cơm Âm Phủ tối mò. Tao nhân mặc khách cũng bò tới đây. Cơm chi ngon lạ khác đời. Ăn đâu sướng đó, tuyệt với trần gian).

Cơm bới: ở Huế, người ta thường gói theo cơm bới để ăn trưa ở sở. Mo cau nhúng nước trở nên mềm dùng để bới cơm tức ép cơm (nén cơm) để làm cơm nhuyễn rồi vắt thành từng mảng vuông và dùng mo cau đó gói lại để giữ cho cơm luôn luôn dẻo mềm. Trong mo cơm bới, người ta còn bới theo hoặc cá kho khô hoặc muối sả, muối mè để ăn cho mặn miệng.

Cơm chiên Huế: cơm chiên Huế đặc biệt vì có nhiều đồ gia vị như ớt xắt lát, tỏi đập dẹp, tiêu sọ rắc, lá hành xanh, trộn với cơm trắng chiên khô giòn chín vàng với mỡ, ăn rất thấm thía. Cơm chiên Huế thường không nhất thiết phải có tôm thịt hay trứng đổ chả bỏ vào. Cơm chiên Huế chan với nước mắm ớt ăn với nhiều tóp mỡ, thường do bà mẹ hoặc bà chị tự tay làm, tự tay chiên, nên ngon không thể tả.

Cơm nguội (cơm để cách đêm): cơm để nguội từ đêm trước thường dùng làm cơm hến mới đúng điệu. Cơm hến nguyên thủy chỉ canh hến chan với cơm nguội, thêm một chút rau tươi và gia vị (theo Trần Văn Tường) (Chàng ơi phụ thiếp làm chi, thiếp như cơm nguội đỡ khi đói lòng).

Cơm nguội để cách đêm (cơm nguội): cơm nguội thường là cơm để cách đêm. Người Huế thường để cơm nguội ăn dư nguyên trong nồi, hoặc xới ra dĩa, đậy lồng bàn để trong "cuội". Cơm nguội ăn với nước mắm ớt hoặc làm cơm hến, ngon vô kể (Nực cười cơm nguội có hơi, trách lòng anh tệ, ăn cơm không mời- ca dao Huế).

Cuốn Huế: thứ cuốn tôm thịt, rau sống với bánh tráng, ăn vào mùa hè cho mát. Có 2 thứ cuốn Huế:- Cuốn diếp là thứ cuốn với lá diếp (giống như xà lách), thịt ba chỉ, rau thơm; xung quanh cột ràng bằng lá hành. Thường châm với nước lèo đặc, có đậu phụng giã nhỏ trộn với gan heo;- Cuốn tôm chua: là cuốn bằng bánh tráng, phía trong có khoai lang, rau muống chẻ, rau thơm, bún, thịt heo, và được cắt từng khúc. Trên cuốn, người ta để tôm chua và một miếng thịt phay.

Dĩa rau Huế: đồ ăn Huế không chỉ ngon miệng khi ăn mà còn được trang hoàng cho ngon mắt nữa. Các thức ăn thường rất màu mè, cách sắp đặt, bố trí cũng rất tài tình để gây hứng cho người ăn. Một đĩa rau sống xứ Huế chẳng hạn, thường có chuối chát mỏng sắp vòng trong ngoài, rồi kế đến khế lát năm cạnh màu vàng ắp tròn phía trong, tiếp đến là vả lát xắt mỏng màu hồng sắp tròn trong cùng và ở giữa là nhúm rau ngò, rau thơm xanh ngát với mấy sợi ớt tươi đỏ thắm trông thật ngon lành (theo Nguyễn Đắc Xuân).

(Trích từ Cuốn Tự điển tiếng Huế)

Tài liệu đính kèm(s)
Đính Kèm  Com_am_phu.jpg ( 4.32k ) Số lượng tải: 0
Đính Kèm  Banh_chung_Nhat_Le___Hue.jpg ( 5.7k ) Số lượng tải: 0
 
Go to the top of the page
 
+Quote Post

Reply to this topicStart new topic
> 1 Người đang đọc chủ đề này (1 Khách và 0 Người Ẩn Danh)
0 Thành Viên:

 

.::Phiên bản rút gọn::. Thời gian bây giờ là: 9th May 2024 - 06:48 AMSpring Style