Chào mừng Khách ( Đăng nhập | Đăng kí )

IPB
3 Trang V  < 1 2 3  
Reply to this topicStart new topic
> Nững bài thơ rượu nổi tiếng
Khách_Yananpura_*
post Apr 9 2007, 03:06 PM
Bài viết #41




Khách vãng lai



Câu này hình như là ca dao Tuấn ơi! để mình tìm bài này và post lên đây. có nhiều nhiều bài thơ về rượu lắm
Go to the top of the page
 
+Quote Post
Khách_Yananpura_*
post Apr 9 2007, 03:16 PM
Bài viết #42




Khách vãng lai



IỮA NGỰC NGUYỄN TUÂN CÓ LÝ BẠCH
Đọc bài thơ Say hiếm hoi của tác giả Chùa Đàn
08:48' 17/02/2005 (GMT+7)

TIÊU LANG - TÔ KIỀU NGÂN

Đời văn Nguyễn Tuân nổi tiếng là nhờ các tập tùy bút và bút ký. Ông rất ít viết tiểu thuyết, nhất là không thấy ông làm thơ. Gần đây, có vài tờ báo Việt ngữ tại hải ngoại đăng lại một bài thơ ký tên Nguyễn Tuân làm từ năm 1931, cách đây đã hơn 70 năm.


Nguyễn Tuân

Điều đó làm nhiều người ngạc nhiên, vừa thú vị, vừa thắc mắc không hiểu có đúng là thơ của Nguyễn Tuân không vì xưa nay không ai thấy thơ ông đăng báo hay in thành tập. Giới phê bình văn học cũng không thấy ai nói chuyện Nguyễn Tuân làm thơ. Hoặc giả trước đây ông có làm thơ nhưng vì thấy mặt mạnh của mình là văn xuôi nên bỏ thơ mà viết tùy bút chăng? Người ta thường nhận xét là: lúc mới lớn nhiều người làm thơ, đến tuổi trung niên họ viết văn và về già, họ viết kịch. “Vậy, ai đã khoái văn chương, khi mới lớn biết yêu đương mà không làm đôi ba bài, hay đôi ba tập, để ghi lại những rung động đầu đời”. Nguyễn Tuân có làm thơ cũng là chuyện thường tình. Ta hãy đọc bài thơ “Say” của ông sau đây:

SAY

Hạnh hoa thôn đã đây rồi,
Chơi đi cho thỏa một đời thông minh,
Nợ men gấp mấy nợ tình,
Cõi trần ướm hỏi Lưu Linh mấy chàng?

Hưng trung hữu Lý Bạch,
Đã say sưa mặc quách thế nhân cười.
Mượn màu men giả dạng làng chơi,
Cơn chuếnh choáng coi ra trời đất nhỏ.
Ai muốn lấp sầu thiên vạn cổ,
Cùng ta hãy cạn một hồ đầy.
Doành nước mây, một tớ một thầy,
Vành gió bụi, ai tỉnh? Ai say? Ai ngất ngưởng?
Đảo phá sầu thàh thi thị tướng,
Trường truy cùng tặc tửu vi binh,
Rượu ngà say quên lẫn cả mình,
Khi túy lúy thoát hình ngoài cõi tục.
Mặc ai đàm tiếu ai trong """từ phạm húy"""c,
Tỉnh mà cho cho nhọc chẳng khề khà,
Nợ nần gỡ mãi không ra.

Hóa ra đây là một bài Hát nói, tờ báo hải ngoại đăng lại đã quên không đề là Hát nói, cũng không ghi “Mưỡu đầu” nơi chỗ mới vào bài, hai câu thơ chữ Hán nằm giữa bài cũng không in chữ xiên kèm thêm chữ Hán có đóng dấu ngoặc kép ở đầu và cuối như xưa nay người ta vẫn in như thế. Do vậy mà nhiều bạn trẻ không rành ca trù cho đây là một bài thơ. Nguyễn Tuân không làm thơ mới như Huy Cận, Xuân Diệu mà làm Hát nói, một lối thơ hợp thể, sáng tạo độc đáo của Việt Nam ta, gồm những câu bốn chữ, năm chữ, sáu chữ, bảy chữ, tám chữ hợp lại, vừa lục bát xen lẫn với thất ngôn, vừa thơ Việt Nam lẫn thơ chữ Hán.

Rất tiếc là chúng ta không được đọc những bài thơ tình đầu đời của ông vì bài văn vần hiếm hoi còn lại của ông lại là một bài ca trù tán dương thú uống rượu. “Nợ men gấp mấy nợ tình”, thứ nợ ấy gỡ mãi không ra, nợ nhưng đương sự lại sẵn sàng rước lấy nợ vì đó là cái cách để ông “đảo phá sầu thành” rong chơi và tìm quên. Nguyễn Tuân làm Hát nói vì ông rất mê hát cô đầu. Nghe hát và uống rượu là hai thú vui thường đi đôi của những người mà Nguyễn Tuân cho là người “thông minh”: “chơi đi cho thỏa một đời thông minh”, nhất là những người thuộc giới làm nghệ thuật. Sinh thời, lúc còn trẻ, ở Hà Nội, Nguyễn Tuân thường cùng Vi Huyền Đắc, Trần Trọng Kim, Thế Lữ, Lê Đại Thanh… đi hát Ả đào tại các xóm cô đầu Khâm Thiên, Vạn Thái. Ông “tự bạch” trong các tập tùy bút của mình rằng đã có lúc ông “ăn dầm, nằm dề” hàng tháng tại các nhà hát cô đầu, tối nào cũng đập trống, nghe ca và say túy lúy. Kịch tác gia Vi Huyền Đắc lúc còn sống ở Sài Gòn kể rằng: “Đi hát với Nguyễn Tuân tốn lắm! Ngoài tiền chi cho chầu hát còn phải bồi thường cho gia chủ những ly chén do Nguyễn Tuân trong cơn cao hứng, say sưa đã đập vỡ”. Do gắn bó, nặng nợ với rượu, thơ, âm nhạc như vậy mà họ Nguyễn đã có được một "Chùa Đàn" tuyệt tác, trong đó tiếng hát của cô Tơ, tiếng đàn Bá Nhỡ và ánh lửa lung linh của ngọn đuốc soi sáng “tửu phần” tưởng như còn đọng lại, còn vang ngân, còn lấp lánh mãi trong tâm hồn những ai đồng điệu.

Nguyễn Tuân đã đem Lý Bạch vào giữa ngực mình (Hưng trung hữu Lý Bạch). Đầu là nơi tôn quý nhất vì sản sinh ra trí tuệ. Ngực là nơi chứa đựng tim phổi, nơi ngự trị của cái tâm, là cõi lòng, cõi lòng của Nguyễn Tuân từng ôm ấp hình ảnh Thi Tiên, tửu tiên Lý Bạch. Ông đã thẳng thắn bày tỏ lòng hâm mộ của mình với tác giả “Tương tiếu tửu”. Qua bài “Say”, ta thấy Nguyễn Tuân, ở vài chỗ, nhắc lại lời Lý Bạch và khẳng định rằng rượu và thơ có thể làm quên sầu. Muốn phá đổ thành sầu phải mượn thơ làm vị tướng mà rượu là binh lính; tướng chỉ huy quân binh mới hòng truy đuổi được tên giặc sầu.

Đảo phá sầu thành thi thị tướng
Trường truy cùng tặc tửu vi binh

Nhưng nói chỉ để mà nói chứ nỗi sầu, hàng vạn nỗi sầu, đâu dễ nguôi ngoa! "Sầu đong càng lắc càng đầy" (Nguyễn Du). Nếu chỉ một trận mà dẹp được thì Lý Bạch đã không nói là “Ngỡ dìm nỗi sầu vào rượu, không hay càng uống lại càng sầu”. Thành sầu không dễ phá đổ, may ra chỉ tạm quên trong phút chốc mà thôi.

Người hay thơ cũng lắm, hay rượu cũng khá nhiều, tại sao Nguyễn Tuân không ôm ai mà lại chọn Lý Bạch đặt vào giữa ngực mình? Dễ hiểu là vì hai người có những điểm giống nhau về tài năng, về sở thích, về tính khí. Lý Bạch lãng mạn mà ngang tàng, học múa kiếm trước khi làm thơ, nổi tiếng là thi tiên, thi tửu, khi say rồi thì vua chúa, hiền thánh cũng chẳng coi ra gì:

…Thiên tử hô lai bất thướng thuyền
Tự xưng thần thị tửu trung tiên
(thơ Đỗ Phủ viết về Lý Bạch)

Dịch:

Vua gọi lên thuyền không chịu đến
Tự xưng thần chính tửu tiên đây

Vua vời Lý vào triều thảo chiếu biểu trong lúc Lý uống say ngủ vùi nơi quán rượu phải sai quân sĩ ra quán khiêng ông về. Giữa triều đình, Lý bắt Cao Lực Sĩ cởi giày cho mình, vua không nói gì vì ngại Lý bất bình mà không chịu làm thơ. Đến nửa đời, Lý theo Vĩnh Vương Lân chống lại triều đình khiến phải bị bắt, may không bị giết mà chỉ bị đày tới đất Dạ Lang.

Xét về Nguyễn Tuân, ta thấy ông là ngôi sao trên văn đàn thời trước 45 cũng như về sau này, văn chương ông cũng bộc lộ tính khí ngang tàng, khinh thế, ngạo vật. Ông lại sành sỏi thú ăn chơi, nổi tiếng là người phong lưu rất mực. Uống rượu, thưởng trà và viết về trà, rượu tưởng không ai viết hay bằng Nguyễn Tuân. Nguyễn còn một điểm giống Lý Bạch là “thèm đi”. Lý Bạch thích ngao du đây đó. Các nước Tề, Lỗ, Tống, Lương nơi nào có cảnh đẹp là ông tìm tới, từ những nơi này xuống miền Giang Nam lênh đênh hơn 10 năm trời không nhất định ở một chỗ nào. Nguyễn Tuân cũng ưa xê dịch, lúc trẻ ông cũng từng đi Hương Cảng để đóng phim, sau này, vừa công tác lại vừa du lịch qua các nước xã hội chủ nghĩa, ở trong nước thì ông luôn xuôi ngược khắp nơi để viết bút ký. Ông từng ao ước chiếc va–ly giang hồ của ông dán đầy nhãn hiệu của các con tàu lênh đênh trên các đại dương, các thương hiệu của các khách sạn, bến cảng toàn thế giới. Chỉ chừng ấy điểm giống nhau đủ đưa đến hợp nhau, phương chi còn thơ, rượu và một thành sầu vạn cổ mà đa số văn nhân, thi sĩ muốn đánh đổ mãi bằng men rượu mà không được.

Nếu ta bắt gặp trong bài “Say” của Nguyễn Tuân có đôi ý, đôi câu giống thơ rượu của Lý Bạch thì đó cũng là điều dễ hiểu vì họ Nguyễn đã chẳng từng nói là “giữa ngực mình có Lý Bạch” đó sao.

T.L- T.K.N

(http://www.nguoivienxu.vietnamnet.vn/butviet/2005/02/376815/)
Go to the top of the page
 
+Quote Post
Khách_Yananpura_*
post Apr 9 2007, 03:18 PM
Bài viết #43




Khách vãng lai



Vũ Hoàng Chương


Em ơi lửa tắt bình khô rượu

Ðời vắng em rồi say với ai!


(chiều 17/4/2002)



Thơ ông đầy men rượu trong thi phẩm đầu tay: Thơ Say. Mình không có kinh nghiệm say thì cảm không hết được ý thơ của ông đâu. Dầu vậy, cái men say ấy vẫn cứ lan sang lòng mình như thường.

Ông là một thi sĩ nghiện ngập. Người ta nói thế. Mà tôi cũng biết thế khi tôi đến nhà thi sĩ Mộng Tuyết (Thất Tiểu Muội), một người bạn thơ của ông. Có một thời gia đình ông tá túc nơi nhà nữ sĩ Mộng Tuyết. Không nhớ khoảng thời gian nào, sau năm 1975; lúc đó ông ở tù ra, một thời gian ngắn rồi mất. Tôi không được gặp ông. Chỉ nghe nữ sĩ Mộng Tuyết nói, kể về ông, thương tiếc một con người tài hoa, không làm sao sống thích nghi với xã hội mới. Theo nữ sĩ Mộng Tuyết kể sơ, ông bị công an kêu lên kêu xuống tra vấn hạch hỏi liên tục; còn bị giam nhốt để "cải tạo" tư tưởng lẫn cái bệnh nghiền của ông nữa. Sau ông bệnh quá, công an phải tha về, sống những ngày cuối cùng với vợ con rồi mất tại Sài-gòn.

Người ta nhớ ông nhất ở hai câu:

Em ơi lửa tắt bình khô rượu

Ðời vắng em rồi say với ai!

Bốn chữ đầu của câu sau được ông lấy làm tựa đề cho bài thơ dài say tiễn cuộc tình chia xa.



Ðời vắng em rồi

Sóng dậy đìu hiu biển dấy sầu

Lênh đênh thương nhớ giạt trời Âu

Thôi rồi - tay nắm tay lần cuối

Chia nẻo giang hồ vĩnh biệt nhau.

Trai lỡ phong vân gái lỡ tình

Này đêm tri ngộ xót điêu linh

Niềm quê sực thức lòng quan ải

Giây phút dừng chân cuộc viễn trình

Tóc xõa tơ vàng nệm gối nhung

Ðây chiều hương ngát lả hoa dung

Sóng đôi kề ngọn đèn hư ảo

Mơ kiếp nào xưa đã vợ chồng.

Quán rượu liền đêm chuốc đắng cay

Buồn mưa trăng lạnh nắng hoa gầy

Nắng mưa đã trải tình nhân thế

Lưu lạc sầu chung một hướng say

Gặp gỡ chừng như truyện Liêu Trai

Ra đi chẳng hứa một ngày mai

Em ơi lửa tắt bình khô rượu

Ðời vắng em rồi say với ai

Phương Âu mờ mịt lối quê nàng

Trăng nước âm thầm vạn dặm tang

Ghé bến nào đây người hải ngoại

Chiều sương mặt bể có mơ màng.

Tuyết xuống phương nào lạnh lắm không

Mà đây lòng trắng một mùa đông

Tương tư nối đuốc thâu canh đợi

Thoảng gió trà mi động mấy bông.



Người tình đi xa. Tận trời Âu. Cách chia nhau mà chẳng hứa được điều gì chắc chắn. Ngồi đây chuốc rượu mà uống thâu canh. Nghĩ tưởng đoạn đường dài em đi. Phương ấy trời đã rơi tuyết chưa mà sao nơi đây, lòng tê dại như phủ cả một màu tang. Màu trắng ở đây là màu trắng của tang, của niềm tê tái giá băng, của niềm cô đơn vô tận.

Ðời vắng em rồi, anh vẫn say. Có em thì uống say với em cuộc tình nồng. Vắng em thì say nỗi niềm cô độc. Say với những cốc rượu đắng, giết cả tâm hồn. Cố tình say như thế để mà quên, để nén niềm đau cứ chực dâng trào. Chỉ khi hết say rồi mới nằm khóc được tình mộng ban đầu.



Một phút ngừng say

Bấc trĩu hoa đèn nhựa úa nâu

Phai say nằm khóc mộng ban đầu

Bước chân song sóng vòng tay mở

Dạo ấy người ơi xa lắm đâu

Chớm nụ tiếc cho tình quá ngát

Mà thương trời bể quá cao sâu

Tiếc thương lẻn khói vào tâm trí

Mưa gió tàn đêm lộng quán sầu.



Một thi sĩ chung tình đến thế! Suốt một đời chỉ sống với thơ, rượu, bàn đèn và tình yêu ban đầu. Cuộc tình ấy không bao giờ thành, dù ông đã chờ đợi, ước mơ... với bao nhiêu năm tháng mỏi mòn trong men say và nghiện ngập.

Ðã có lúc ông tìm quên trong những quán rượu, uống say, nhảy múa với những vũ nữ, lảo đảo quay cuồng theo điệu nhạc... vừa cám cảnh thân phận nhạt nhòa hương phấn của người, vừa đau xót cuộc tình không phai mà không thành của mình. Dù nhảy nhót, uống say thâu đêm suốt sáng, cả một "thành sầu" như tảng núi, vẫn kiên cố nằm ì trong lòng, chẳng làm sao phá vỡ đi được. Niềm đau, nỗi sầu vẫn còn đó. Ông nói với người vũ nữ, mà cũng là nói với ông: sầu này không thể nào phai đi được.

Ðây là bài luân vũ tuyệt nhất của một gã tình si thở tràn hơi rượu:



Say Ði Em

Khúc nhạc hồng êm ái

Ðiệu kèn biếc quay cuồng

Một trời phấn hương

Ðôi người gió sương

Ðầu xanh lận đận, cùng xót thương, càng nhớ thương

Hoa xưa tươi, trăng xưa ngọt, gối xưa kề, tình nay sao héo?

Hồn ngã lâu rồi nhưng chân còn dẻo

Lòng trôi nghiêng mà bước vẫn du dương

Lòng thiêng tràn hết yêu đương

Bước chân còn nhịp nghê thường lẳng lơ...

Ánh đèn tha thướt

Lưng mềm não nuột dáng tơ

Hàng chân lả lướt

Ðê mê hồn gửi cánh tay hờ

Âm ba gờn gợn nhỏ

Ánh sáng phai nhạt dần

Bốn tường gương điên đảo bóng giai nhân

Lui đôi vai, tiến đôi chân

Riết đôi tay, ngả đôi chân

Sàn gỗ trơn chập chờn như biển gió

Không biết nữa màu xanh hay sắc đỏ

Hãy thêm say còn đó rượu chờ ta

Cổ chưa khô đầu chưa nặng mắt chưa hoa

Tay mềm mại bước chân còn chưa chuếnh choáng

Chưa cuối xứ Mê Ly chưa cùng trời phóng đãng

Còn chưa say, hồn khát vẫn thèm men

Say đi em, say đi em

Say cho lơi lả ánh đèn

Cho cung bậc ngả nghiêng điên rồ xác thịt

Rượu, rượu nữa, và quên, quên hết

Ta quá say rồi

Sắc ngã màu trôi

Gian phòng không đứng vững

Có ai ghì hư ảnh sát kề môi?

Chân rã rời

Quay cuồng chi được nữa

Gối mỏi gần rơi

Trong men cháy giác quan vừa bén lửa

Say không còn biết chi đời

Nhưng em ơi

Ðất trời nghiêng ngửa

Mà trước mắt thành sầu chưa sụp đổ

Ðất trời nghiêng ngửa

Thành sầu không sụp đổ, em ơi!



Ðời ông là cả một chuỗi đợi chờ. Ðợi chờ cái điều không thể xảy ra, nhưng vẫn cứ đợi, vẫn cứ chờ. Ðôi lúc nản lòng, gần như không còn tin tưởng nơi người tình nữa, như trong bài "Cánh Buồm Trắng"; ở đó ta thấy sự mỏi mòn, gần như cạn kiệt của ông, và lời thơ đã có giọng phiền trách:



.......

Em ơi ta trằn trọc

Khắc khoải đã bao đêm

Nhớ mong rồi ngờ vực

Ðến cả tấm tình em

Vì những điều mơ ước

Của tuổi trẻ yêu đời

Thắm tươi như ánh nắng

Ðã phai rồi em ơi,

Giấc uyên ương liền cánh

Mộng trăm năm lứa đôi

Êm đềm như tiếng hát

Ðã tan rồi em ơi

Trong lo buồn chán ngán

Trong hoàn cảnh éo le

Tuy ta còn nhận rõ

Lòng em yêu xưa kia

Nhưng mai ngày bóng tối

Thẫm mãi trên đường đi

Biết đâu còn có nữa

Lòng em yêu xưa kia

Ta đâu còn giữ được

Lòng em yêu như xưa

Em ơi cánh buồm trắng

Sắp biến trong đêm mờ.



Ông ví cuộc tình mà ông chờ đợi như cánh buồm trắng ngoài dặm khơi. Mỗi ngày ông quan sát, chờ đợi cánh buồm ấy. Cánh buồm ấy không bao giờ quay về bến nhưng nó luôn thoáng hiện lúc gần lúc xa, nhấp nhô theo sóng nước; dầu đã có những lúc nó khuất dạng ngoài dặm xa, ông vẫn ôm hy vọng là nó không bao giờ mất, và đinh ninh một ngày nào đó nó sẽ quay lại. Chỉ khi nản lòng lắm ông mới bộc lộ vẻ lo sợ về viễn ảnh là cánh buồm trắng sẽ thực sự "biến trong đêm mờ."

Nhưng dầu thế nào thì ông vẫn tiếp tục chờ đợi, chờ đợi. Bao năm phòng lạnh chờ đợi người tình đầu. Không thấy ai ghé thăm, ngoại trừ ánh trăng. May mà hãy còn trăng, hãy còn thơ. Một đời tình, một đời thơ. Một cuộc tình thật sầu thảm mà cũng vừa bi tráng. Bi tráng nơi sức chịu đựng kiên trì của một người lặng lẽ chờ đợi, gào thét chờ đợi, say khướt chờ đợi... mà không thấy sự đáp trả nào trong suốt ba mươi năm:



Chờ đợi hoài công

Ta đợi em từ ba mươi năm

Uống hoa phong nhụy hoài trăng rằm

Heo may chớm đã lên mùa gió

Ngăn ngắt chiêm bao lạnh chiếu nằm

Cúc tả tơi vàng mộng xác xơ

Hiên sương ngõ lá vẫn trông chờ

Ðêm dài quạnh hé đôi song lớn

Nguyệt đọng vòng tay úa giấc mơ

Ngai trống vàng son lợt sắc rồi

Lòng ta Hoàng hậu chẳng về ngôi

Hồ ly không hiện người không đến

Chỉ ánh trăng vào khuôn cửa thôi

Hiu hắt tình trai một kiếp suông

Mênh mông nệm gối rét căn buồng

Lệ sa bạch lạp ngàn đêm trắng

Thơ vút sầu say rượu nhập cuồng

Ðã mấy canh khuya nụ ngát nhài

Kết chưa thành mộng ý Liêu Trai

Lung linh nguyệt thấm vàng trang sách

Ðợi chẳng bừng sen nhịp gót ai

Thôi thế hoài thơm tuổi dịu hiền

Cánh khô mầm lụi trót hoa niên

Chương đài, ca quán, ôi hồng liễu

Nửa cuộc trần gian lợm yến diên

Khắp đã nghe tìm mỏi núi sông

Ðâu vương vó ngựa, gió mui hồng?

Gió sương giờ vẫn buồng đây lạnh?
Em hỡi! Phương nào em có không?



Phải ba mươi năm sau, ông mới biết là hoài công. Sự chờ đợi chẳng kết quả gì. Nhưng lời thơ, và tình yêu của ông thì bất tử.

Ðó là một vài bài thời tiền chiến. Về sau, thơ ông không say men rượu nữa, mà say trong lẽ huyền vi, trong Thiền. Những bài thơ rất siêu thoát, xuất thần. Ðây bài:



Nguyện Cầu

Ta còn để lại gì không?

Kìa non đá lở, này sông cát bồi.

Lang thang từ độ luân hồi

U minh nẻo trước xa xôi dặm về.



Trông ra bến hoặc bờ mê

Nghìn thu nửa chớp, bốn bề một phương

Ta van cát bụi bên đường

Dù nhơ dù sạch đừng vương gót này.



Ðể ta tròn một kiếp say

Cao xanh liều một cánh tay níu trời.

Nói chi thua được với đời

Quản chi những tiếng ma cười đêm sâu.



Tâm hương đốt nén linh sầu

Nhớ quê dằng dặc, ta cầu đó thôi!

Ðêm nào ta trở về ngôi

Hồn thơ sẽ hết luân hồi thế gian.



Một phen đã nín cung đàn

Nghĩ chi còn mất hơi tàn thanh âm.



Và bài Lửa Từ Bi, ông ghi là Kính dâng lên Bồ tát Quảng Ðức, như bài điếu văn bất hủ mà nhiều người trong giới Phật giáo thuộc lòng:



Lửa! lửa cháy ngất tòa sen!

Tám chín phương nhục thể trần tâm

hiện thành THƠ, quỳ cả xuống.

Hai Vầng Sáng rưng rưng

Ðông Tây nhòa lệ ngọc

chắp tay đón một Mặt-trời-mới-mọc

ánh Ðạo Vàng phơi phới

đang bừng lên, dâng lên.



Ôi! Ðích thực hôm nay trời có mặt;

giờ là giờ Hoàng đạo nguy nga!

Muôn vạn khối sân si vừa mở mắt

nhìn nhau: tình Huynh đệ bao la.



Nam mô Ðức Phật Di Ðà

Sông Hằng kia bởi đâu mà cát bay?

Thương chúng sinh trầm luân bể khổ

NGƯỜI rẽ phăng đêm tối đất dày

bước ra, ngồi nhập định, hướng về Tây;

gọi hết lửa vào xương da bỏ ngõ,

Phật Pháp chẳng rời tay.



Sáu ngả Luân hồi đâu đó

mang mang cùng nín thở,

tiếng nấc lên ngừng nhịp Bánh xe quay.

Không khí vặn mình theo

khóc òa lên nổi gió;

NGƯỜI siêu thăng

giông bão lắng từ đây.

Bóng NGƯỜI vượt chín tầng mây,

nhân gian mát rợi bóng cây Bồ Ðề.



Ngọc hay đá, tượng chẳng cần ai tạc

lụa hay tre, nào khiến bút ai ghi;

chỗ NGƯỜI ngồi: một thiên thu tuyệt tác

trong vô hình sáng chói nét Từ Bi.



Rồi đây, rồi mai sau, còn chi?

ngọc đá cũng thành tro

lụa tre dần mục nát

với Thời gian lê vết máu qua đi.

Còn mãi chứ! Còn Trái-Tim-Bồ-Tát

gội hào quang xuống tận ngục A-tỳ.



Ôi ngọn lửa huyền vi!

thế giới ba nghìn phút giây ngơ ngác

từ cõi Vô minh

hướng về Cực lạc;

vần điệu của thi nhân chỉ còn là rơm rác

và chỉ nguyện được là rơm rác,

THƠ cháy lên theo với lời Kinh

tụng cho Nhân loại hòa bình

trước sau bền vững tình Huynh đệ này.



Thổn thức nghe lòng trái Ðất

mong thành quả Phúc về cây;

nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật;

đồng loại chúng con

nắm tay nhau tràn nước mắt,

tình thương hiện Tháp-Chín-Tầng xây.

(Sài-gòn tháng 5, Phật lịch 2507, tháng 6-1963)



Có lúc thơ ông thể hiện vẻ hùng tráng ngất trời. Chẳng hạn ở Bài Ca Sông Dịch:



Ai tráng sĩ bao năm mài gươm dưới nguyệt

Còn tưởng nghe hồn thép múa sông sâu

Kinh Kha hề Kinh Kha!

Vinh cho ngươi hề ba nghìn tân khách

Tiễn ngươi đi, tiếng trúc nhịp lời ca.

Biên thùy trống giục,

Nẻo Tần sương sa,

Gió thê lương quằn quại khói chiêu hà.



Tám phương trời khói lửa,

Một mũi dao sang Tần.

Ai trách Kinh Kha rằng việc người để lỡ

Ai khóc Kinh Kha rằng thềm cao táng thân.

Ai tiếc đường gươm tuyệt diệu

Mà thương cho cánh tay thần.

Ta chỉ thấy

Tơi bời tướng sĩ, thây ngã hai bên.

Một triều rối loạn, ngai vàng xô nghiêng.

Áo rách thân run hề ghê hồn bạo chúa,

Hùng khí nuốt sao ngưu hề nộ khí xung thiên.

Một cánh tay đưa mà danh lừng vạn cổ,

Hiệp sĩ Kinh Kha hề ngươi thác đã nên!...

(Tâm Sự Kẻ Sang Tần)



Ðôi khi thơ ông u uất nỗi sầu chung của đất nước và thời thế, muốn vươn đến những cõi cao rộng xa xăm khác. Mấy mươi năm, số phận nhỏ nhoi rồi bệnh tật của ông, không vươn khỏi những biến động của xã hội, cũng như gông cùm xiềng xích của chế độ cộng sản, nhưng thơ ông đã từ lâu, và mãi mãi, như cánh phượng hoàng (ý của Viên Linh), chạm đến cái chỗ chóp đỉnh cao vời của nền thi ca Việt-nam. Ở nơi chốn ấy, không ai trói buộc ông được. Một mình tung cánh giữa trời cao rộng.



Ðây là một vài bài khác nữa của ông, trích từ Chiêu Niệm Văn Chương - Vũ Hoàng Chương của Viên Linh:



Phương Xa

Nhổ neo rồi thuyền ơi xin mặc sóng

Xô về Ðông hay giạt tới phương Ðoài.

Xa mặt đất giữa vô cùng cao rộng

Lòng cô đơn cay đắng họa dần vơi.



Lũ chúng ta lạc loài dăm bảy đứa

Bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh.

Bể vô tận sá gì phương hướng nữa

Thuyền ơi thuyền theo gió hãy lênh đênh.



Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ

Một đôi người u uất nỗi trơ vơ.

Ðời kiêu bạc không dung hồn giản dị

Thuyền ơi thuyền xin ghé bến hoang sơ.



Men đã ngấm, bọn ta chờ nắng tắt

Treo buồm cao, cũng cao tiếng hò khoan

Gió đã nổi, nhịp trăng chiều hiu hắt

Thuyền ơi thuyền, theo gió hãy cho ngoan.





Mười Hai Tháng Sáu

Trăng của nhà ai trăng một phương

Nơi đây rượu đắng mưa đêm trường

Ờ đêm tháng sáu mười hai nhỉ

Tố của Hoàng ơi hỡi nhớ thương.



Là thế là thôi là thế đó

Mười năm thôi thế mộng tan tành

Mười năm trăng cũ ai nguyện ước

Tố của Hoàng ơi Tố của Anh.



Tháng sáu mười hai - từ đấy nhé

Chung đôi - từ đấy nhé lìa đôi.

Em xa lạ quá đâu còn phải

Tố của Hoàng xưa Tố của tôi.



Men khói đêm nay sầu dựng mộ

Bia đề tháng sáu ghi mười hai.

Tình ta ta tiếc - cuồng - ta khóc

Tố của Hoàng nay Tố của Ai.



Tay gõ vào bia mười ngón rập

Mười năm theo máu hận trào rơi.

Học làm Trang Tử thiêu cơ nghiệp

Khúc Cổ Bồn Ca gõ hát chơi.



Kiều Thu hề Tố em ơi

Ta đang lửa đốt tơi bời Mái Tây

Hàm Ca nhịp gõ khói bay

Hồ Xừ Xang Xế... bàn tay điên cuồng.



Kiều Thu hề trọn kiếp thương

Sầu cao ngùn ngụt mấy đường tơ khô.

Xừ Xang Xế Xự Xang Hồ

Bàn tay nhịp gõ điên rồ khói lên.



Kiều Thu hề Tố hỡi em

Nghiêng chân rốn bể mà xem lửa bùng.

Xế Hồ Xang... khói mờ rung

Nhịp vươn sầu tỏa năm cung ngút ngàn.



Một trong vài bài thơ ông làm trong tù:



Nét Ðau Mặt Chữ

Chẳng dùng chi được văn tài

Thân này lụy áo cơm ai bất ngờ

Phút giây chết điếng hồn thơ

Nét đau mặt chữ đến giờ còn đau.



Chắc gì ba trăm năm sau

Ðã ai vào nổi cơn sầu nằm đây

Nếu không cơm áo đọa đầy

Nhủ thân nào thịt xương nầy bỗng dưng.



Chết theo vào đến lưng chừng

Say từng mảnh rớt mê từng khúc rơi

Nửa chiều say ngất mê tơi

Khúc đâu lơ láo một đời Thi Vương.

(http://www.vinhhao.net/Doctho/u-y/vuhoangchuong.htm)
Go to the top of the page
 
+Quote Post
Khách_Yananpura_*
post Apr 9 2007, 03:20 PM
Bài viết #44




Khách vãng lai



Uống Trăng

- Thi Sĩ : Hàn Mặc Tử

Bóng hằng trong chén ngả nghiêng
Lả lơi tắm mát làm duyên gợi tình
Gió đùa mặt nước rung rinh
Lòng ta khát tiếng chung tình từ lâu
Uống đi cho đỡ khô hầu
Uống đi cho bớt cái sầu miên man
Có ai nuốt ánh trăng vàng
Có ai nuốt cả bóng nàng tiên nga.
Go to the top of the page
 
+Quote Post
Khách_Yananpura_*
post Apr 9 2007, 03:21 PM
Bài viết #45




Khách vãng lai



Uống Rượu
Phạm Thiên Thư


hoàng hôn ven suối
vàng lau lách bay
đôi con bướm nhỏ
vẩn vơ trong ngày

nhớ chiều hạ nọ
dan díu bàn tay
lòng anh ngây ngất
làn hương tóc mây

giờ ai thèm nhớ
họa chăng cỏ cây
bên suối uống rượu
buồn hoài quên say

Go to the top of the page
 
+Quote Post
Khách_Yananpura_*
post Apr 9 2007, 03:33 PM
Bài viết #46




Khách vãng lai



LÝ BẠCH 李白

Tương tiến tửu 將進酒

君不見
Quân bất kiến
黃河之水天上來
Hoàng hà chi thuỷ thiên thượng lai
奔流到海不復回
Bôn lưu đáo hải bất phục hồi
君不見
Quân bất kiến
高堂明鏡悲白髮
Cao đường minh kính bi bạch phát
朝如青絲暮成雪
Triêu như thanh ty mộ như tuyết
人生得意須盡歡
Nhân sinh đắc ý tu tận hoan
莫使金樽空對月
Mạc sử kim tôn không đối nguyệt
天生我材必有用
Thiên sinh ngã tài tất hữu dụng
千金散盡還復來
Thiên kim tán tận hoàn phục lai
烹羊宰牛且為樂
Phanh dương tể ngưu thả vi lạc
會須一飲三百杯
Hội tu nhất ẩm tam bách bôi
岑夫子
Sầm Phu tử
丹丘生
Ðan Khâu sinh
將進酒
Tương tiến tửu
君莫停
Quân mạc đình
與君歌一曲
Dữ quân ca nhất khúc
請君為我側耳聽
Thỉnh quân vi ngã trắc nhĩ thính
鐘鼓饌玉不足貴
Chung cổ soạn ngọc bất túc quí
但願長醉不願醒
Ðãn nguyện trường tuý bất nguyện tỉnh
古來聖賢皆寂寞
Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch
惟有飲者留其名
Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh
陳王昔時宴平樂
Trần vương tích thời yến Bình Lạc
斗酒十千恣讙謔
Ðẩu tửu thập thiên tứ hoan hước
主人何為言少錢
Chủ nhân hà vi ngôn thiểu tiền
徑須沽取對君酌
Kinh vi cô thủ đối quân chước
五花馬
Ngũ hoa mã
千金裘
Thiên kim cừu
呼兒將出換美酒
Hô nhi tương xuất hoán mỹ tửu
與爾同消萬古愁
Dữ nhĩ đồng tiêu vạn cổ sầu.


Bản dịch:

Bài hát tiến tửu
Khuyết Danh

Biết chăng ai:
Sông Hoàng Hà ngọn nước tại lưng trời tuôn đến bể khôn vời lại được.
Biết chăng nữa:
Đài gương mái tóc bạc sớm như tơ mà tối đã như sương.
Nhân sinh đắc ý nên càng
Khôn nỡ để chén vàng trơ với nguyệt.
Tài hữu dụng lẽ trời âu hẳn quyết,
Nghìn vàng kia khi hết lại còn.
Lúc vui chơi nào nhắm mùi ngon,
Ba trăm chén cũng dồn một cuộc.
Cụ Sầm rủ cụ Đan khuyên chuốc,
Rượu nâng lên chớ được dừng tay.
Vì ngươi hát một khúc này,
Xin ngươi sẽ lắng tai nghe lấy.
Tiệc chung cổ ngọc vàng là mấy,
Hãy nên say say mãi tỉnh chi mà.
Thánh hiền xưa cũng vẵng xa,
Chỉ có rượu với người say là vẫn để.
Tiệc Bình Lạc xưa kia cũng thế,
Muời nghìn chung mặc thích vui cười.
Tiền chủ nhân bao quản vắn dài,
Cũng mua nữa cùng ngươi khuyên rót.
Ngựa hoa tốt mà áo cừu cũng tốt,
Gọi đồng ra đổi lấy rượu ngon.
Cùng ngươi giải vạn kiếp buồn.
Go to the top of the page
 
+Quote Post
Khách_Yananpura_*
post Apr 9 2007, 03:35 PM
Bài viết #47




Khách vãng lai



Đây mới là thơ say của Tản Đà

Say sưa nghĩ cũng hư đời
Hư thì hư vậy say thời cứ say
Đất say đất cũng lăng quay
Trời say mặt cũng cũng đỏ gay ai cười ?

Tản Đà
Go to the top of the page
 
+Quote Post
Khách_Yananpura_*
post Apr 9 2007, 03:39 PM
Bài viết #48




Khách vãng lai





MÙA XUÂN với THƠ RƯỢU

Nguyễn Quý Đại

Tháng Giêng là tháng ăn chơi
Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba rượu chè
Ca dao

Đời có nhiều thú vui để hưởng thụ : tiønh yêu, thi ca, nghệ thuật, du lịch.. đều là nhịp sống của nhân loại tương quan từ tinh thần đến vật chất, như vẽ đẹp của thiên nhiên mây nước. Sự cảm thông của tâm hồn với những thú vui tùy theo sở thích của từng người. Theo Tô Đông Pha "sự như xuân mộng liễu vô ngấn / đời qua mau như một giấc mơ xuân, không lưu lại một vết nào", nhà thơ Xuân Diệu quan niệm đời người ngắn ngủi mà thời gian khắc nghiệt trôi qua phải nhanh lên vui hưởng nếu không thời gian sẽ xóa hết những nét xuân, trong bài giục giã "mau với chứ thời gian không đứng đợi "

Thời gian không dừng lại với chúng ta, khi những cánh én không còn bay lượn ở lưng trời thì tiếng ve sầu ngâm vang mùa hè rực rở lá hoa, rồi thu về trời se lạnh gió thu mang theo những chiếc lá vàng rơi...Mùa xuân với nai vàng, hoa anh đào, hoa cúc, hoa vạn thọ nở đẹp ở bên quê nhà, trong lúc Âu Châu là mùa đông ảm đạm thời tiết đang giá lạnh cây trơ cành trên màu trắng của tuyết, chúng ta ngậm ngùi hướng về Tết cổ truyền Việt Nam, hằng năm vào cuối đông Cộng Đồng Việt Nam sống lưu vong khắp nơi trên thế giới, lo chuẩn bị vui Tết hướng về quê hương, mỗi lần xuân về chúng ta thường nghe nhạc phẩm bất hủ "ly rượu mừng" của nhạc sĩ Phạm Điønh Chương
Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi
Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi
Rót thêm tràn đầy chén quan san,
Chúc người binh sĩ lên đường..
Chiến đấu công thành
Sáng cuộc đời lành
Mừng người vì nước quên mình..
Dù nơi đây không có tiếng pháo giao thừa, nhưng chúng ta cùng nâng ly rượu mừng xuân nhớ về cố quốc ...
Giao thừa hàng xóm sao im tiếng
Lần nữa ta mừng Xuân biệt hương
Nâng ly như trút vào trong dạ
Tràn pháo đầu Xuân, đứt đoạn trường

Cao Yên Tuấn
Rượu có hàng chục ngàn năm, từ non cao đến thành thị người ta đều biết biến chế và uống rượu, theo thời gian và mỗi nơi có những công thức khác nhau. Rượu thường chế bằng các thứ hạt ngũ cốc với bột men. Người Pháp có truyền thống chế rượu mạnh và rượu vang bằng các loại nho tùy theo phong thổ, bên sông hay đồi núi nổi tiếng như : Châuteau, Charente, Bordeaux. Eau-de-Vie de Cognac hay Eau-de-Vie des Charentes. Người Đức chế rượu bia với nguyên liệu chính là Mễ cốc(Getreide), Mạch nha (Malz) hạt ngô (Mais)�Không thể thiếu hoa Hopfen (Đường hoa thảo) làm xúc tác lên men tên khoa học Humulus -Lupulus Cannabincaceen, nguồn gốc nước giếng cũng là yếu tố làm bia ngon

Người Việt Nam cất rượu với nguyên liệu : đường với ngũ cốc, có rượu đế (Reisschnaps) ruợu lúa mới, Hà Nội có rượu nếp Cảm, Sài gòn có rượu nếp Thang, Đà lạt có rượu dâu.. Mỗi gia đình có thể cất rượu cho ngày tết hay các lễ cưới hỏi...gạo lức hay nếp nấu chín đổ ra nong trải rộng để nguội rắt bột men đều trên mặt ủ lại bằng lá chuối vài ba đêm lên men, trên mặt có men màu vàng hay hơi xám, cho vào hủ đổ nước vừa dung tích đậy nắp kín để chổ mát thích hợp thời gian ngắn, bỏ đường vào hòa tan trong dung dịch đó gọi là hèm, đem cất lấy rượu.. (men tự biến chế từ rể, củ, cây lá, theo gia truyền bí quyết làm rượu thơm ngon) Người Thượng dùng các thứ lá, rễ cây trên núi để ủ men, những thứ này cùng với củ gừng, riềng xắt nhỏ, phơi khô, giã mịn, trộn với bột gạo và vỏ trấu, viên tròn phơi khô để biến chế rượu Cần, loại rượu nầy làm với chất liệu: Hạt cào (một thứ cỏ mọc ở núi), hạt bo bo, kê, gạo, bắp (ngô), khoai mì (sắn)� Mỗi loại có hương vị ngọt ngào riêng, tuy nhiên được yêu chuộng nhất theo thứ tự vẫn là rượu cào, bo bo, kê, rồi mới đến gạo, bắp. Chất liệu được nấu chín, trãi ra cho nguội. Men giã nhỏ, trộn đều. Sau khi ủ qua một đêm, mở ra bốc hơi thơm ngào ngạt, để có độ thoáng cho rượu lên men. Sau đó cho vào những chiếc chóe nhỏ to bằng gốm, bịt kín miệng bằng lá chuối. Chóe ủ rượu có nơi còn gọi là ghè, nên rượu Cần còn được người Thượng gọi là rượu Ghè, dân tộc thiểu số đều có bí quyết biến chế rượu.

Rượu không thể thiếu trong các lễ nghi giao tế "vô tửu bất thành lễ " Người Việt thờ cúng ông bà những ngày giỗ kỵ thường có rượu, trầu cúng ở bàn thờ để tưởng nhớ, đầu năm mừng tuổi, hoặc đi ăn giỗ, các lễ cưới, hỏi, hội hè điønh đám không thể thiếu rượu. Thiên Chúa Giáo dùng rượu trong Thánh lễ, nhưng Phật Giáo Việt Nam, Trung Hoa thì cấm uống rượu, ngược lại ở Nhật Bản tu sĩ có thể uống rượu ?, các quốc gia Hồi giáo cấm rượu, nhưng được đa thê !! Thổ Nhỉ Kỳ (Hồi Giáo) được uống rượu, ngoại trừ thành phố Konya không bán rượu

Uống rượu trở thành thói quen trong sinh hoạt, cuộc tri ngộ của Nguyễn Khuyến và Dương Khuê trong văn học sử Việt Nam là một tình bạn tâm giao thắm thiết khi Dương Khuê tạ thế, Nguyễn Khuyến đã cảm thấy mất đi hầu hết hứng thú của cuộc đời và khóc bạn :
Rượu ngon không có bạn hiền
Không mua không phải không tiền không mua
Câu thơ nghĩ đắn đo không viết
Viết đưa ai, ai biết mà đưa ?
Giuờng kia treo những hững hờ
Đàn kia có gãy, ngẩn ngơ tiếng đàn...
Ngày xưa thi nhân xem thú uống rượu đứng thứ tư sau thú chơi đàn, đánh cờ, ngâm thơ
Đàn năm cung réo rắt tính tiønh đây
Cờ đôi nước, rập riønh xe ngựa đó
Thơ một túi phẩm đề câu nguyệt lộ
Rượu ba chung tiêu sái cuộc yên hà

Nguyễn công Trứ
Người Á Châu có thể dạy người Tây phương về cách uống trà, nhưng chúng ta phải học họ cách uống rượu, tuy nhiên người Trung Hoa biết thưởng lãm nghệ thuật trà, rượu ."trà như ẩn sĩ, rượu nhưhào sĩ./ Rượu để kết bạn, trà để hưởng tĩnh", ở huyện Thiệu Hưng tỉnh Chiếc Giang nổi danh thứ rượu hoàng tửu, nhà nào sinh con gái thì cha mẹ làm một hủ rượu cất giữ, khi con gái xuất giá cho mang theo món rượu quý với những tư trang. Uống rượu là thú vui trợ hứng trong khi tán ngẩu chuyện đời, đẹp nhất mùa xuân uống rượu bên cây mai vàng nở rộ và ban đêm uống dưới bóng nguyệt. Uống rượu phải có nghệ thuật "nên lựa lúc và nơi để say, Say với hoa thì nên vào ban ngày để hưởng hết màu sắc, ánh sáng; say với tuyết với trăng sao thì nên lựa ban đêm để tâm tư được thanh tĩnh�" Các cụ ngày xưa quan niệm "không có rượu thì sơn thủy cũng vô nghiã ; nếu không có đàn bà đẹp thì trăng hoa cũng vô ích.." hay "nam vô tửu như kỳ vô phong" ngoài niềm vui với thi phú, ngâm thơ vịnh nguyệt, say với đời, người sành rượu phải biết "tri kỳ vị, tri kỳ hương, tri kỳ ảo, tri kỳ linh" (biết vị của rượu, biết hương thơm rượu, biết sự huyền ảo, biết linh hồn của rượu)..

Ở Âu Châu nghệ thuật uống rượu phải phù hợp thời gian và không gian, rượu nào ly đó, nhiệt độ tùy theo loại rượu trắng hay đỏ, không bỏ nước đá vào bia hay rượu. Rượu phải thích hợp với món ăn, uống để thưởng thức và tâm sự, tiệc tùng các bà ngồi chung bàn, không thấy rượu nào nói đến chuyện cường dương ?. Bên Việt Nam các bà ngồi riêng, các ông thì "dô dô" chai nầy đến chai kia, uống cho sỉn không thấy trời trăng mây nước. Người giàu uống các lọai Cognac, Champagne, Bia, giới bình dân uống rượu Đế quốc doanh sáng trưa chiều tối � (ở Hoa Kỳ không phải chổ nào cũng được phép uống bia rượu, ở Đức thiø tự do không bị cấm, nhưng trong tuần bận làm việc, không có thì ngồi nhậu, bàn rượu không phải là nơi giải quyết giao tế việc làm hàng ngày). Người không uống được rượu, nhưng ngồi với bạn trong cái thú vui bàn rượu. Đã ba mươi (1975-2005) mùa xuân đi qua lặng lẽ, ngày Tết gợi lại những kỷ niệm xa xưa
Ba mươi chưa đủ mùa Xuân lớn
Chỉ thấm giòng châu, nặng bước đường
Hồ trường ai rót mà sao cạn?
Nhớ rót dùm ta về một phương

Cao Yên Tuấn
Rượu giúp vui và giải sầu say sỉn một vài lần không sao, nếu uống rượu nhiều sanh bệnh ghiện thì hại sức khỏe, uống nhiều rượu thì bất lợi ruợu tác dụng không tốt vì có chất ethyl alcohol. Có thống kê : 50% tội phạm trong nhà lao, 40% tai nạn giao thông, 25% người bệnh có liên quan đến rượu.

Các nhà khoa học cho biết bệnh nhân từng trải qua phẫu thuật tim nếu uống một lượng vừa phải rượu hoặc bia hằng ngày sẽ làm giảm được nguy cơ hẹp tĩnh mạch trở lại . Mọi người đều biết việc dùng nước uống có chất rượu hợp lý có thể giảm nguy cơ đau tim và đột tử ở những người bị bệnh tim, các nhà khoa học tại Đại học Heidelber, Đức chứng minh rằng ngay cả khi tổn thương ở tim đã được khắc phục. Bác sĩ Donald Thomas, một chuyên gia về bệnh suyễn và đường hô hấp ở Maryland, cho biết: "Với những kết quả vừa được công bố, tôi sẽ cảm thấy vững tâm thoải mái hơn khi khuyến nghị các bệnh nhân của tôi nên uống rượu vang một cách vừa phải và đều đặn." rượu làm giảm các tế bào gây hẹp động mạch. Uống nhiều có thể gây ra chứng tăng huyết áp và các vấn đề sức khỏe khác, rượu lợi hại tuỳ theo người dùng và bệnh lý phải chẩn đoán rõ ràng tránh phản ứng ngược lại .

Rượu vang đỏ có tác dụng chống ung thư do chứa tác nhân chống oxi hóa có tên resveratrol vốn có rất nhiều trên vỏ nho đỏ - nguyên liệu chính để làm rượu. Các nghiên cứu trước đây cho thấy resveratrol, cũng có mặt trong quả mâm xôi và lạc củ, có tác dụng ngăn ngừa bệnh tim mạch. Ngoài ra, chất này rất tốt đối với những người ăn kiêng

Theo Đông y rượu làm thông huyết mạch, tán thấp khí, giúp kích thích tiêu hoá ăn ngon "tửu vi bách dược chi trưởng / rượu đứng đầu trăm loại thuốc. Thị trường Việt Nam thường quảng cáo nhiều loại rượu thuốc cường dương bổ thận, trị đau nhức, hai thứ bệnh y học gọi là chứng tiết tảo (xuất tinh sớm) hay dương nuy (liệt dương) thì uống rượu ngâm thuốc có lộc hươu, nhung nai, cao hổ cốt (?). Họ còn cho rằng rượu rắn tốt và ăn thịt bổ, vì rắn là con vật hấp thụ đủ khí âm dương do cơ thể rắn sát đất (âm), đầu luôn ngóc lên (dương) khi bò. Rượu rắn tùy theo số rắn ngâm như 3 con: tam xà, 5 con: ngũ xà, 10 con: thập xà. Các loại rắn thường dùng là hổ mang, cạp nong, mái gầm, lục. Một bình 10 lít ngâm 10-15 con rắn các loại, thêm cá ngựa, sâm quy, thục, táo tàu.. Ngoài rắn ngâm rượu còn cả tắc kè ngọc dương vv. Các rượu thuốc Mỹ tửu, Trường sinh tửu, Diêu linh tửu, Minh Mạng thang..

Bạn bè gặp nhau thường mời bia hay rượu, lúc rảnh việc cùng chén thù, chén tạc đôi khi rượu gợi nhớ về thời vàng son xuân sắc, quên tất cả buồn phiền đời sống vây quanh, lúc say quên thực tế phủ phàn đi vào giấc mộng dễ dàng và êm ả, nhưng đôi khi quá chén bị bà xã phiền hà thì phải cầu cứu thi sỉ Tản Đà
Say sưa nghĩ cũng hư đời
Hư thì hư vậy say thời cứ say
Đất say đất cũng lăng quay
Trời say mặt cũng cũng đỏ gay ai cười ?

Tản Đà

Vua Ngô 36 tán vàng
Chết xuống âm phủ có mang được giø
Vua Chổm uống rượu tì tì
Thác xuống âm phủ khác gì vua Ngô !

Ca dao


Cũng có trường hợp "tửu bất khả ép, ép bất khả từ" quá chén sinh ra "Tửu nhập ngôn xuất / rượu vào lời ra" nói dài, nói dai mà không ý thức được điều miønh nói gì ? "đa ngôn đa qúa" làm phiền người chung quanh không ít ; người uống say về nhà chưởi bới đánh đập vợ con, làm mất niềm vui trong gia điønh
Ở đời chẳng biết sợ ai
Sợ thằng say rượu nói dai tối ngày

Ca dao


Nhưng người say cũng biện hộ cho việc say sưa đâu đến nỗi nào, bởi vì men tình mà đời đã trao cho
Say thời say ngãi say tình
Say chi chén rượu mà mình nói say
hoặc
Rượu nào rượu lại say người
Bớ người say rượu, chớ cười rượu say

Ca dao


Nhà thơ núi Tản sông Đà sống cuộc đời "say sưa nghĩ cũng hư đời" nhưng thi nhân mượn thơ và rượu thoát khỏi thực tế chua chát, đắng cay
Rượu thơ mình lại với mình
Khi say quên cả tấm hình phù du

Tản Đà
Thi hào Nguyễn Du đã diễn tả hoàn cảnh khổ đau ngang trái của nàng Kiều, khi vui bên chén rượu để giải sầu, nỗi buồn 15 năm lưu lạc có bao giờ tàn phai, mà người sầu muộn thường uống say để quên đời .
Khi chén rượu, khi cuộc cờ
Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên
Kiều - Nguyễn Du


Lư Trọng Lư thường mượn hơi men để giải sầu, đổi lấy những giây phút say sưa chuếnh choáng hầu lãng quên và dứt khoát với dĩ vãng .
Mời anh cạn chén rượu nầy
Trăng vàng ở cúi non tây ngậm buồn
Nửa đời phiêu lãng chỉ còn đêm nay
Để lòng với rượu cùng say
Chừ đây lời nói chua cay lạ thường

Lưu Trọng Lư


Hay
Người đi ừ nhỉ ngườI đi thật
Mẹ thà coi như chiếc lá bay
Chị thà coi như là hạt buị
Em thà coi như hơi rượu say

Thâm Tâm


Ca dao trữ tình trong kho tàng văn học Việt Nam, phản ảnh tâm hồn lãng mạn và tình yêu dạt dào, tiếp xúc với thiên nhiên, đời sống gia điønh và xã hội, ca dao nhắc về rượu rất nhiều nhưng tôi chỉ trích dẫn một phần mà thôi. Ở thôn quê người ta chỉ cần một buồng cau, khay trầu, uống chén rượu đã trở thành suôi gia, không cần mân cao cổ đầy
Rượu lưu li chân qùy tay rót
Cha mẹ uống rồi dời gót theo anh
Theo anh cho ấm tấm thân
Khỏi qua núi nọ, khỏi lần núi kia
Hay
Anh có thương em thi lo một buồng cau cho tốt, một hũ rượu cho đầy
Đặt lên bàn thượng, hạ xuống bàn xây
Chàng đứng đó, thiếp đứng đây
Lẽ mô thầy với mẹ lại không kết nghiã sum vầy cho con ?
Tay ôm hũ rượu, buồng cau
Đi ngả đằng sau, thầy mẹ chê khó, đi ngả cửa ngõ chú bác chê nghèo ,
Nhắm cừng duyên nợ cheo leo
Sóng to thuyền nặng, không biết chống chèo có đặng không
Về đời sống thiên nhiên và con người
Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm
Rượu Hồng đào chưa uống đã say
Rượu chuồn này chén trăng bơi
Uống cùng Huế với cuộc chơi sang ngày
Nét đẹp của đàn bà Việt Nam thật tuyệt vời đảm đang lo việc nhà, giáo dục con cái, để chồng gánh vác việc ngoài xã hội, nói chung dù đời sống thế nào cũng một lòng tiết hạnh
Aên miếng trầu năm ba lời dặn,
Uống một chén rượu năm bảy lời giao
Xung quanh dù sóng lượn ba đào
Em cũng giữ niềm tiết hạnh, chứ không lãng xao
Vì quan niệm lẽ sống ảnh hưởng vào đời người, rượu được ví với cái nết đằm thắm, yêu đương hạnh phúc gia điønh, người vợ đảm đang mọi việc đều ổn định
Rượu ngon bất luận be sành
Áo rách khéo vá hơn lành vụng may
Rượu ngon nhờ để lâu ngày càng thơm ngon như rượu vang (vin) Clos, Château, Cru. Rượu mạnh Cognac X.O (Extra Old) so sánh rượu ngon với người vợ đoan trang, thủy chung để tiønh duyên thêm mặn nồng
Rượu ngon bởi vị men nồng
Người khôn bởi vị giống nòi mới khôn
Rượu say vì bởi men nồng
Vợ mà biết ở chắc chồng phải theo
Rượu sen càng nhắp càng say
Càng yêu vì nết, càng say vì tình
Đầy vơi chúc một chén quỳnh
Vì duyên nên uống, vì tình nên say
Ngày xưa bà Trần Tú Xương "quanh năm buôn bán ở ven sông" lo việc nhà để ông Tú vui chơi uống rượu giải sầu vì số phận long đong về đường thiø cữ không thành đạt, nhưng những người đàn bà khác cũng chiều chồng hiếu khách:
Cái bống là cái bống binh
Thổi cơm nấu nước một mình mồ hôi
Rạng ngày có khách đến chơi
Cơm ăn rượu uống cho vui lòng chồng
Vì trạng thái chung của xã hội ảnh hưởng vào tâm tư con người, đời sống cần cù, chất phát, ôn hoà nhưng cũng xao động sa ngã ! có thể nói ca dao đã ghi lại các khía cạnh của tình yêu, trạng thái tình cảm trắc trỡ khó khăn :
Vai mang bầu rượu chiếc nem
Mảng say quên hết lời em dặn dò
Rượu nồng nem chua, quyến rũ lòng người thêm dục vọng, vào vòng vui thú của bản ngã, tâm tình, gắn bó về nhân nghiã bị lu mờ chăng ? bởi vậy ca dao cũng thường nhắc lại những thói hư thường tình, trong đời sống nhân sinh. ở Việt Nam có thêm phong trào uống "bia ôm", "rượu ôm". làm nhiều người gia đình mất hạnh phúc
Thế gian ba sự không chừa
Rượu nồng, dê béo, gái vừa đương tơ
hoặc
Còn trời, còn nước còn non
Còn cô bán rượu, anh còn say sưa
Tuy nhiên con người phải tự kèm hảm dục vọng, nhìn chung xã hội loài người bất kỳ ở tầng lớp nào, cũng bị cám dỗ len lỏi vào cuộc sống :
Anh ơi uống rượu thì say
Bỏ ruộng ai cày, bỏ giống ai gieo.
Mang bầu đến quán rượu dâu
Say hoa đắm nguyệt, quên câu ân tình
Rượu lạt uống lắm cũng say
Người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm
Đời sống xã hội tập hợp như những màu sắc rực rỡ, quyến rũ vì tình, tiền, quyền lực, dục vọng con người đang âm thầm đốt cháy từng mảnh tâm hồn, có người xa lánh trần tục muốn tu nhưng không tránh khỏi quyến rũ vật chất của đời sống văn minh ! Đời sống trần tục chúng ta sống phải đạo làm người đó là điều đáng quý trọng. Say sỉn nhiều khi tránh được phiền não, người sầu muộn thường uống say. Trong những cái say của cuộc đời, cái say nào cũng nguy hiểm dù say rượu còn có lúc tỉnh. Say tình, say tiền, say danh vọng thì triền miên, không ai muốn ra khỏi cơn mê đó ! làm người, có phải ai cũng phải mang một bệnh say ?

Nguyễn Quý Đại
Munich tháng giêng năm 2005
E.mail nguyenquydai@khoahoc.net

(http://chimviet.free.fr/18/nqdn059/nqdn059.htm)
Go to the top of the page
 
+Quote Post
thanhlong
post Apr 10 2007, 10:05 PM
Bài viết #49

vạn vật là vô thường
********

Nhóm: Chỉ huy
Bài Viết: 1.322
Gia Nhập: 11-March 05
Đến Từ: Huế
Thành Viên Thứ: 16



Có rất nhiều khi, có rượu ngon nhưng uống nhạt nhẽo bởi tinh thần lương sơn chỉ là chuyện hô hào

Có nhiều khi rượu chuối hột tám nghìn một lít vẫn thấy hào hùng khí khái bằng hữu, bởi tình anh em dạt dào

Chén rượu, nhiều khi chỉ là vật tượng trưng, để nói lên những hào sảng đấy

Dù sao thì vẫn nhớ một thời anh em Đà Nẵng vào Sài Gòn, uống bia trong cái tô to, bia cũng ngon mà tình anh em cũng tràn trề

Vẫn mong thời oanh liệt vẫn còn đâu đây



Ai cũng có một ngày hôm qua...
Go to the top of the page
 
+Quote Post
thanhdnvn
post Apr 19 2007, 11:12 AM
Bài viết #50

Nguyên soái
*******

Nhóm: Chỉ huy
Bài Viết: 843
Gia Nhập: 2-March 05
Đến Từ: Đà Nẵng
Thành Viên Thứ: 2



QUOTE(Chú Thích)(thanhlong @ Apr 10 2007, 10:05 PM)
Có rất nhiều khi, có rượu ngon nhưng uống nhạt nhẽo bởi tinh thần lương sơn chỉ là chuyện hô hào

Có nhiều khi rượu chuối hột tám nghìn một lít vẫn thấy hào hùng khí khái bằng hữu, bởi tình anh em dạt dào

Chén rượu, nhiều khi chỉ là vật tượng trưng, để nói lên những hào sảng đấy

Dù sao thì vẫn nhớ một thời anh em Đà Nẵng vào Sài Gòn, uống bia trong cái tô to, bia cũng ngon mà tình anh em cũng tràn trề

Vẫn mong thời oanh liệt vẫn còn đâu đây
*



Lời Long nói thật chân tình mà chua xót. Chỉ có rượu ới làm nguôi ngoai nhất thời mọi thứ, để rồi:

'khi giã rượu, lúc tàn canh,
giật mình, mình lại thương mình xót xa!"



Tôi lẩn trốn vì biết mình không thể
Mây của trời rồi gió sẽ mang đi!
Go to the top of the page
 
+Quote Post

3 Trang V  < 1 2 3
Reply to this topicStart new topic
> 1 Người đang đọc chủ đề này (1 Khách và 0 Người Ẩn Danh)
0 Thành Viên:

 

.::Phiên bản rút gọn::. Thời gian bây giờ là: 5th May 2024 - 02:53 AMSpring Style